TRỒNG RAU MUỐNG NƯỚC Ở TPHCM

VOH – Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP, qua việc rà soát của các huyện và quận ven sản xuất rau muống nước, hiện có 8 xã và phường trồng loại rau này với tổng diện tích 577 ha. Trong đó, huyện Củ Chi có xã Bình Mỹ là nơi tập trung sản xuất rau muống nước nhiều nhất với 260 ha.

Đến tháng 04/2017, Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp nhận 128 hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trong đó, đã có 62 hộ được chứng nhận với trên 50ha, tương đương khoảng 405ha diện tích gieo trồng với sản lượng hơn 8.100 tấn/năm. Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp cũng đã xây dựng logo rau muống nước VietGAP và quy chế sử dụng logo rau muống nước cho Tổ hợp tác ở xã Nhị Bình và Bình Mỹ.

Cánh đồng mẫu rau muống nước VietGAP ở Hóc Môn

Hiện nay, lượng rau muống nước tiêu thụ ổn định qua hợp đồng khoảng 1,5 tấn/ngày trong tổng số 25 tấn rau muống nước VietGAP, chiếm khoảng 6% sản lượng thu hoạch hàng ngày. Số còn lại bán ra thị trường ngoài với giá khoảng 3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, quá trình kết nối gặp thử thách khi giá cả biến động. Giá chênh lệch cao, bà con bán hết ra thị trường nên hợp đồng chỉ thực hiện được khoảng 2 tháng. Việc tiêu thụ qua hợp đồng chiếm tỷ lệ thấp, một bộ phận người trồng không có động lực để sản xuất VietGAP khi giá bán không có sự chênh lệch. Ngoài ra còn có nguyên nhân do đa phần người trồng là dân nhập cư đến thuê đất trồng theo từng năm, nên không dám đầu tư dài hơi vì có thể thay đổi liên tục khi giá thuê tăng từng năm.

Cuối năm 2016 khi mưa nhiều, đồng thời ảnh hưởng bởi các tỉnh bị lũ lụt, thì giá rau muốn nước lúc này tăng lên 22.000 đồng/kg. Lúc đó đơn vị thu mua cung cấp cho siêu thị theo giá ổn định thì bà con nông dân mình không đủ hàng để bán, hoặc tự ý nói là tui không có rau, dẫn đến không thực hiện hợp đồng, không triển khai hợp đồng được”, ông Bùi Văn My – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông dân TPHCM lưu ý.

Rau muống phát triển xanh tốt theo quy trình VietGAP

Sự thành bại của việc tổ chức lại sản xuất, hình thành cánh đồng rau muống nước VietGAP là vấn đề đầu ra sản phẩm. Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp đã tổ chức hội nghị kết nối, giới thiệu sản phẩm với các bếp ăn công nghiệp và bếp ăn các trường học; phối hợp với hệ thống siêu thị Co.opMart, SATRA cùng các HTX rau an toàn để kết nối, tiêu thụ rau muống nước VietGAP.

Một nguyên nhân khác khiến cho việc kết nối tuy có nhưng chưa gắn bó là tình trạng thiếu nhà sơ chế. Khi thu hoạch, nếu bà con sơ chế, giá bán cũng sẽ cao hơn 500 – 1.000 đồng/kg, nhưng đa số bà con không có lao động hay mặt bằng để làm.

Việc giải bài toán hỗ trợ trong tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa hết sức quan trọng, tác động lớn đến phát triển sản xuất. Vì vậy, cần tích cực hơn nữa trong việc tiếp xúc với các kênh tiêu thụ lớn, ngoài Co.op Mart, còn có Aeon, Big C. Đồng thời tiếp cận sâu hơn bếp ăn của các trường học, các khu công nghiệp và khu chế xuất. Cụ thể như tại huyện Củ Chi, ông Lê Đình Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định chính quyền địa phương đang ra sức kết nối với các doanh nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn để tạo ra nguồn tiêu thụ cho người trồng rau muống.

Ngành nông nghiệp TP kêu gọi và khuyến khích các đơn vị, tổ chức trên địa bàn TP tiêu thụ rau muống nước VietGAP. Mặt khác, bà con nông dân cũng phải ý thức đầy đủ việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tuân thủ các quy định chứ không chạy theo giá thị trường nhất thời để đánh đổi việc thu mua ổn định./.

VOH_Minh Phước, ngày 15/8/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *