Huyện nông thôn mới Củ Chi cải thiện môi trường trong chăn nuôi bò sữa

Việc tập trung tái cơ cấu đàn bò sữa theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường đang giúp huyện nông thôn mới Củ Chi (TP.HCM) duy trì nghề chăn nuôi bò sữa bền vững trên địa bàn, gắn với xây dựng nông thôn mới và nông nghiệp đô thị.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết Dự án phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2018 – 2022 và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025, Phó Chủ tịch UBND huyện nông thôn mới Củ Chi Lê Đình Đức cho biết, vấn đề môi trường trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn đã được cải thiện.

Huyện nông thôn mới Củ Chi cải thiện môi trường trong chăn nuôi bò sữa  - Ảnh 1.
Ông Vũ Phương Bình (Tân Thạnh Đông) trong trang trại chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Trần Đáng

Cải thiện môi trường trong chăn nuôi bò sữa

Theo UBND huyện nông thôn mới Củ Chi, những năm qua, việc chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư và những nơi không đúng quy định đã gây ô nhiễm môi trường cục bộ trên địa bàn.ADVERTISING

Bên cạnh đó, phương thức chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ, phân tán còn phổ biến và tình trạng chăn nuôi tự phát chưa được xử lý triệt để vệ sinh càng làm cho vấn đề môi trường chăn nuôi trầm trọng hơn.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn đề môi trường trong chăn nuôi bò sữa đã được cải thiện đáng kể.

Tại xã Tân Thạnh Đông, một địa phương nuôi bò sữa chủ lực của huyện nông thôn mới Củ Chi với hơn 17.000 con bò sữa, nông dân đã ý thức hơn về vấn đề bảo vệ môi trường.

Trang trại chăn nuôi bò sữa của ông Vũ Phương Bình hiện có khoảng 50 con bò sữa. Với số lượng bò sữa thế này việc đảm bảo vệ sinh môi trường là một vấn đề lớn cho một hộ chăn nuôi.

Để đảm bảo vệ sinh môi trường, ngoài việc áp dụng mô hình nuôi bò sữa công nghệ cao nghiêm ngặt, ông Bình còn dùng đến hỗn hợp thức ăn.

Thức ăn chính của bò sữa là hỗn hợp, gồm cỏ voi, cám bắp, hèm bia và men vi sinh. Hỗn hợp thức ăn này không chỉ tăng dinh dưỡng mà còn giảm mùi hôi của chuồng trại chăn nuôi bò sữa.

“Cho ăn thêm vi sinh sẽ giảm được mùi hôi từ phân bò”, ông Bình thổ lộ.

Huyện nông thôn mới Củ Chi cải thiện môi trường trong chăn nuôi bò sữa  - Ảnh 3.
Ông Bình dùng hỗn hợp thức ăn, gồm cỏ voi, cám bắp, hèm bia và men vi sinh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bò sữa. Ảnh: Trần Đáng

Cũng như ông Bình, trại chăn nuôi bò sữa của ông Phạm Văn Vũ (xã An Nhơn Tây) thời gian qua cũng tích cực giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Để làm được điều đó, ông Vũ tăng cường áp dụng các công nghệ vào chăn nuôi. Ngoài việc giảm rủi ro nhiễm vi sinh trong sữa, quá trình nuôi bò sữa bằng công nghệ cao hạn chế thấp nhất vấn đề ô nhiễm môi trường.

Chăn nuôi bò sữa bền vững

Theo ông Đức, qua 4 năm triển khai thực hiện Dự án phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2018 – 2022 và phương hướng nhiệm vụ đến năm 2025, cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Hiện, trên địa bàn huyện nông thôn mới Củ Chi có tổng đàn bò sữa trên 43.000 con, trong đó đàn bò sữa cái là 35.283 con với 2.922 hộ chăn nuôi. Năng suất sữa bình quân cơ bản đạt 6.500kg/chu kỳ (tăng 1.500kg/chu kỳ so với năm 2018). Bên cạnh đó, huyện còn có tổng đàn bò thịt là 21.044 con với 3.474 hộ chăn nuôi.

Tình hình vệ sinh môi trường trong chăn nuôi bò sữa trên địa bàn các xã, thị trấn dần được cải thiện. Đặc biệt là trên địa bàn xã Tân Thạnh Đông.

Huyện nông thôn mới Củ Chi cải thiện môi trường trong chăn nuôi bò sữa  - Ảnh 4.
Trại chăn nuôi bò sữa của ông Phạm Văn Vũ (xã An Nhơn Tây). Ảnh: Trần Đáng

Huyện đã cải thiện chất lượng và hình thành đàn bò thịt giống chất lượng cao theo hướng hiện đại, trên nền tảng từ đàn bò sữa, bò thịt hiện hữu; hình thành các giống bò thịt lai phù hợp với các điều kiện chăn nuôi tại huyện; tạo ra nguồn thịt bò có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường; nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong chăn nuôi của huyện.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Đức đánh giá cao sự nỗ lực của huyện trong thực hiện Dự án phát triển đàn bò bền vững trên địa bàn huyện Củ Chi giai đoạn 2018 – 2022.

Ông Đức còn cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ quy hoạch vùng chăn nuôi; chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường; khuyến khích tăng đàn không nuôi nhỏ lẻ…


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *