Trồng rau VietGAP, ông nông dân xã nông thôn mới ở TP.HCM bỏ nhà lá xây biệt thự

Nhờ trồng rau VietGAP, ông Nguyễn Văn Hồng (xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) đổi đời, bỏ nhà lá xây biệt thự.

Ông Hồng khoe, ông xây ngôi biệt thự gia đình đang ở tốn mất 2 tỷ đồng. Tiền xây dựng ngôi biệt thự hoàn toàn từ đồng lời trồng rau VietGAP.

Trồng rau VietGAP, ông nông dân ở TP.HCM bỏ nhà lá xây biệt thự  - Ảnh 1.
Ông Nguyễn Văn Hồng (xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) thu hoạch mướp trong vườn trồng rau VietGAP. Ảnh: Trần Đáng

Hải “mướp” trồng rau VietGAP

Tại xã Đa Phước hỏi nhà ông Hồng nhiều người sẽ lắc đầu, nhưng hỏi nhà Hải “mướp” thì gần như ai cũng biết. Ông Hồng có biệt danh Hải “mướp” cũng vì trồng và làm giàu từ rau không ai giỏi hơn. Hiện, ông Hồng trồng rau ăn trái là mướp, bí và bầu.

Theo ông Hồng, trước khi trồng rau VietGAP ông trồng lúa. Một lần đi Cần Giuộc (Long An) chơi nhà bạn, thấy nông dân trồng rau xây biệt thự, ông âm thầm đi học kinh nghiệm trồng rau rồi quyết định bỏ ngay cây lúa kém hiệu quả kinh tế chuyển sang trồng rau VietGAP.

Lúc đầu, ông Hồng trồng 5.000m2 rau sạch. Ông Hồng kể, sau giờ ra đồng, ông chạy xích lô kiếm thêm tiền mua phân trồng rau.

Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm bạn bè và từ những lớp tập huấn trồng rau sạch của địa phương, tay nghề trồng rau của ông Hồng ngày càng tiến bộ. Rau VietGAP ông trồng ngày càng đẹp, được thương lái thu mua hết.00:01:31

Clip: Ông Nguyễn Văn Hồng (xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) chia sẻ kinh nghiệm trồng rau VietGAP. Clip: Trần Đáng

Thấy 5000m2 không đủ đáp ứng nhu cầu rau của thương lái, ông Hồng đã thuê thêm  5.000m2 nữa để trồng rau VietGAP.

Theo ông Hồng, trong 3 loại rau ăn trái ông đang trồng, trái mướp cho lợi nhuận cao nhất. Lúc mới trồng, do đất mới màu mỡ, anh Hồng thu hoạch 400 – 500kg/5 công đất.

“Một đợt thu hoạch mướp kéo dài 2 tháng. Cứ ngủ dậy, sáng là lượm tiền”, ông Hồng khoe.

Tuy nhiên,ông Hồng cũng cho rằng để cây mướp cho năng suất cao và chất lượng tốt phải “có bài”. Cụ thể về kỹ thuật trồng mướp, khi dây mướp bò lên giàn khoảng 2,5m là phải cắt tược bỏ hết. Do những tược này không cho trái. Sau đó, người trồng ngắt đọt dây mướp, tược mới sẽ mọc. Khi tược mới ra, lại ngắt đọt tiếp để mướp cho trái

Về kỹ thuật trồng bí đao, dây bí leo được 5cm, cắt bỏ tược. Khi dây leo được 1,5m, ngắt đọt để dây ra trái.

Trồng rau VietGAP, ông nông dân ở TP.HCM bỏ nhà lá xây biệt thự  - Ảnh 4.
Trồng rau VietGAP đã giúp ông Nguyễn Văn Hồng (xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) xây biệt thự. Ảnh: Trần Đáng

 “Sau khi ngắt đọt khoảng 1 tuần phải xuống phân. 1 tuần sau phải xuống diêm. Nhưng không được xuống diêm, phân quá nhiều vì cây sẽ bị bệnh nấm”, ông Hồng khuyến cáo.

Trồng rau VietGAP xây biệt thự

Ông Hồng cho biết, ông trồng rau VietGAP theo lối cuốn chiếu. 3 thứ rau ăn trái là mướp, bầu, bí sẽ được trồng luân phiên để có bán cho thương lái hàng ngày. Một năm, ông Hồng chỉ trồng 3 vụ cho mỗi loại mướp, bầu, bí.

“Trước khi quyết định trồng rau đã phải tìm được thương lái thu mua. Và khi sản xuất buộc phải có rau bán cho thương lái hằng ngày. Thương lái sẽ bỏ mình nếu không có rau bán cho họ liên tục”, ông Hồng chia sẽ.

Theo ông Hồng, hiện giá mướp 9.000 đồng/kg. Giá bí 12.000 – 15.000 đồng/kg. Thương lái vào tận vườn ông Hồng để thu gom bầu bí, mướp.

Trồng rau VietGAP, ông nông dân ở TP.HCM bỏ nhà lá xây biệt thự  - Ảnh 5.
ông Nguyễn Văn Hồng (xã Đa Phước, Bình Chánh, TP.HCM) kiểm tra vườn trồng rau VietGAP. Ảnh: Trần Đáng

Ông Hồng cũng cho biết, trong năm, rau màu thường có giá tốt từ tháng 8 – tháng 10 (Âm lịch). Thời điểm này vào mùa mưa, giá màu khá đắc do mưa bão, ương hạt khó sống, cây bị ngập úng. Vào mùa Tết chỉ có giá bầu cao, còn bí và mướp giá không tốt. Ra Giêng, hầu hết các loại rau đều đắc.

Nhờ thành công liên tiếp với các vụ trồng rau VietGAP, ông Hồng dã phá bỏ căn nhà xập xệ và xây dựng ngôi biệt thự. Hiện, ông Hồng đang vận động một số nông dân lân cận để thành lập HTX trồng rau VietGAP.


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *