Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên là 209.555 ha, với 24 quận, huyện, trong đó, khu vực nông thôn có 5 huyện (gồm: Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ) có diện tích 160.170 ha, chiếm 76,4% tổng diện tích tự nhiên toàn Thành phố. Năm 2008, dân số 5 huyện là 1,14 triệu người, chiếm 16,81% tổng dân số toàn Thành phố.
Khi bắt đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, số tiêu chí bình quân/xã chỉ đạt 6 tiêu chí, giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất nông nghiệp chưa cao (năm 2000 chỉ đạt 31 triệu đồng/ha/năm; năm 2005 đạt 63 triệu đồng/ha/năm; năm 2008 đạt 117,5 triệu đồng/ha/năm). Năng suất lao động năm 2008 chỉ đạt 29,1 triệu đồng/người. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 7.365,2 tỷ đồng. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị khá lớn (thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2008 là 15,73 triệu đồng/người/năm chỉ bằng 55,5% thu nhập thành thị là 28,32 triệu đồng/người/năm).
Thực hiện Kết luận số 32-KL/BCT của Bộ Chính trị ngày 20 tháng 11 năm 2008, trong đó có chỉ đạo xây dựng thí điểm mô hình nông thôn mới – nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn”. Ban Bí thư đã chỉ đạo triển khai thực hiện đề án Chương trình thí điểm mô hình nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trung ương chọn xã Tân Thông Hội (Củ Chi) là 1 trong 11 xã cả nước thực hiện thí điểm chương trình. Ngoài xã điểm Tân Thông Hội do Trung ương trực tiếp chỉ đạo, Thành phố chọn thêm 05 xã thuộc 5 huyện, gồm: xã Thái Mỹ (Củ Chi), Xuân Thới Thượng (Hóc Môn), Tân Nhựt (Bình Chánh), Nhơn Đức (Nhà Bè) và Lý Nhơn (Cần Giờ) do Thành phố trực tiếp chỉ đạo. Giai đoạn 2010 – 2020, 5 huyện và 56 xã của Thành phố đã cùng các tỉnh, thành của cả nước thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới với mục tiêu: “Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Sau 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được các kết quả nổi bật sau đây:
1.Khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp: Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm, tăng 301,12% so với năm 2008 – năm đầu tiên bắt đầu thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (15,73 triệu đồng/người/năm). Khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp qua các năm: Năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Thành phố bằng 55,5% so với thu nhập khu vực thành thị; đến năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%.
2.Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, chuẩn nghèo Thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm: hộ nghèo tại 5 huyện năm 2010 còn 42.045hộ/291.686 hộ, chiếm tỷ lệ 14,41%. Tính đến đầu năm 2019, số hộ nghèo có thu nhập bình quân từ <21 triệu đồng/người/năm trở xuống là 1.777 hộ, chiếm tỷ lệ 0,41% trong tổng hộ dân 5 huyện.
3.Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện: Năng suất lao động tính theo giá so sánh năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, năm 2014 đạt 64,7 triệu đồng/người, năm 2018 đạt 90 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động tính theo so sánh năm 2018 so với năm 2008 đạt 206,1% (Năng suất lao động tính theo giá thực tế năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, năm 2014 đạt 95,3 triệu đồng/người, năm 2018 đạt 136,5 triệu đồng/người, năm 2019 ước đạt 139,6 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động tính theo giá thực tế năm 2019 so với năm 2008 đạt 118,5%).
4.Diện tích đất sản xuất nông nghiệp, số hộ nông lâm ngư nghiệp giảm: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thành phố, giai đoạn 2016 – 2019: GRDP bình quân tăng 5,9%/năm, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thực tế năm 2019 ước đạt 23.400 tỷ đồng, tăng bình quân 6,01%/năm (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần X tăng 5,8% – 6%). Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đạt 502 triệu đồng/ha/ năm 2018 và đạt 550 triệu đồng/ha/năm 2019 (cao nhất cả nước, gấp hơn 05 lần bình quân cả nước, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
5.Phong trào “Thành phố Chung sức xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực: đã huy động được 26.043 hộ dân hiến 2.972.304 m2 đất để xây dựng mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.243 tỷ đồng; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Đảng ủy Khối Dân – Chính – Đảng, cùng các đơn vị được Ban Thường vụ Thành ủy phân công chung sức và các đơn vị ngoài phân công, là các sở ngành, hội đoàn thể, các tổng công ty, doanh nghiệp, hộ dân và cá nhân thuộc 24 quận huyện đã cùng chung tay, chung sức hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng đường giao thông nông thôn,… với tổng kinh phí hỗ trợ là 557 tỷ 924 triệu đồng, giúp diện mạo nông thôn ngày càng khang trang hơn, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.
6.Kết nối tiêu thụ nông sản; kết nối liên kết sản xuất giữa “Hộ nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp” được tập trung thực hiện: bình quân có hơn 167 con heo/ngày, 6.770 tấn rau củ quả/năm, 547 tấn thủy sản/năm được sản xuất theo chuỗi liên kết “Hộ nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp”; 540 phiên chợ nông sản an toàn được tổ chức, với 9.417 đơn vị tham gia, kết nối tiêu thụ nông sản qua 200 hợp đồng, với giá trị 22,5 tỷ đồng/tháng.
7.Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả: Lũy tiến từ năm 2010 đến nay: 05 huyện đã phê duyệt 25.739 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn có hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất nông nghiệp, tổng vốn đầu tư 12.548,562 tỷ đồng, tổng vốn vay 7.759,321 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư/phương án năm 2010 là 321 triệu đồng/phương án đã nâng lên 1,51 tỷ đồng/phương án năm 2019. Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ lãi vay từ ngân sách đối với các phương án được duyệt tại 05 huyện là 604,282 tỷ đồng, cho thấy với 01 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay, sẽ huy động được 21 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 13 đồng, huy động trong dân là 8 đồng. Qua việc triển khai thực hiện chính sách đã góp phần giải quyết, tạo việc làm làm cho 60.311 lao động. Đồng thời xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao, như: rau (doanh thu bình quân đạt 0,8 -1 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan (doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/ha/năm), bò sữa (quy mô 20 con: doanh thu bình quân đạt 0,8 tỷ đồng/năm), cá cảnh (doanh thu bình quân đạt 10 – 15 tỷ đồng/ha/năm, nuôi lươn trong hồ (diện tích 6m2/hồ, doanh thu đạt 63,3 tỷ đồng/0,5ha/năm);…
8.06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố được tập trung phát triển: Trong đó, có một số sản phẩm có tốc độ tăng cao, trong 9 tháng đầu năm 2019: Rau: sản lượng đạt 407.520 tấn, tăng 13,9% so cùng kỳ; Hoa, cây kiểng: đạt 2.335 ha, tăng 8,5% so cùng kỳ; Thủy sản: đạt 45.673 tấn, tăng 6,6% so cùng kỳ; Cá cảnh: đạt 158 triệu con, tăng 15,3% so cùng kỳ.
9.Chính sách an sinh xã hội được triển khai hiệu quả: 39.201 lượt hộ nghèo đã được vay vốn sản xuất từ Quỹ Xóa đói giảm nghèo; 33.514 lượt lao động thuộc đối tượng khó khăn được giải quyết việc làm; hỗ trợ 922.977 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; 338.098 lượt học sinh được miễn, giảm học phí.
10.Hạ tầng phục vụ sản xuất và an sinh xã hội được tập trung: 9.188 công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương phát triển sản xuất, dạy – học, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của người dân nông thôn.
Bên cạnh xây dựng nông thôn mới, việc thực hiện đạt 19 tiêu chí nông thôn mới thì việc cải tạo diện mạo môi trường nông thôn có ý nhĩa hết sức quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu trong nông thôn mới góp phần nâng cao ý thức người dân trong cải tạo cảnh quan môi trường, thay đổi được thói quen, ý thức của các hộ dân trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, không chỉ làm cho bộ mặt nông thôn thêm khởi sắc mà còn xây dựng nếp sống văn minh, góp phần nâng cao tiêu chí nông thôn mới và đem lại ý nghĩa thiết thực trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hình ảnh các tuyến đường xanh-sạch-đẹp trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Tuyến đường nông thôn mới trên địa bàn xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh
Tuyến đường nông thôn mới trên địa bàn xã Đa Phước, huyện Bình Chánh
Tuyến đường xanh-sạch-đẹp trên địa bàn xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi
Tuyến đường xanh-sạch-đẹp trên địa bàn xã Tân An Hội, huyện Củ Chi
Tuyến đường xanh-sạch-đẹp trên địa tại đường đê ấp 1, xã Tân Quý Tây,
huyện Bình Chánh (nguồn: Internet)
Tuyến đường xanh-sạch-đẹp trên địa bàn xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi
(nguồn: Internet)
Mô hình tuyến đường hoa Mười Giờ tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh
Tuyến đường xanh-sạch-đẹp tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi
Tuyến đường không rác tại xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh
Hình ảnh các tuyến đường xanh-sạch-đẹp trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước
Xây dựng tuyến đường nông thôn kiểu mẫu tại tỉnh Quảng Ninh
(nguồn: www.quangninh.gov.vn)
Tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu tại tỉnh Sóc Trăng
(nguồn: www.baosoctrang.org.vn/)
Xây dựng tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ở xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng (nguồn: www. nongthonmoi.soctrang.gov.vn)
Tuyến đường hoa nông thôn mới tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang
(nguồn: www.lambinh.tuyenquang.gov.vn/
Xây dựng các tuyến đường Xanh – Sạch – Đẹp trên địa bàn huyện Bù Đốp,
tỉnh Bình Phước (nguồn: www.tuoitrebudop.org.vn)
Các tuyến đường xanh-sạch-đẹp góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, nhiều nét đẹp văn hóa tại địa phương được phát huy. Mong rằng trong thời gian sắp tới sẽ có thật nhiều, thật nhiều tuyến đường xanh-sạch-đẹp được phát triển, nhân rộng trong xây dựng nông thôn mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.