KẾT QUẢ 05 NĂM THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 2016 – 2020 (Đến tháng 7 năm 2020)

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU CỦA CHƯƠNG TRÌNH1. Đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí huyện nông thôn mới (theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ).

– Theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05/4/2016, bình quân số tiêu chí đạt trên 01 huyện là 8,6 tiêu chí (tăng 2,2 tiêu chí so với cuối năm 2018 là 6,4 tiêu chí).

– Đối với 03 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới: các huyện đang tập trung triển khai và hoàn thành các chỉ tiêu, yêu cầu tại Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020 đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt và các đề án khác có liên quan nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

– Đối với 02 huyện (Cần Giờ và Bình Chánh) chưa đạt chuẩn nông thôn mới:

+ Huyện Bình Chánh đạt 8/9 tiêu chí (gồm: 1Quy hoạch, 2Giao thông, 3.Thủy lợi, 4.Điện, 5.Y tế, Văn hóa, Giáo dục, 6.Sản xuất, 7.An ninh trật tự xã hội, 8.Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới);

+ Huyện Cần Giờ đạt 8/9 tiêu chí. Đoàn thẩm tra thành phố đã tiến hành thẩm tra các tiêu chí theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, huyện đang bổ sung các nội dung theo yêu cầu của các Sở ngành và phấn đấu đạt Chỉ tiêu 5.3 – Tỷ lệ trường Trung học phổ thông đạt chuẩn vào tháng 8 năm 2020.

2. Kết quả thực hiện Chương trình ở giai đoạn nâng cao chất lượng các tiêu chí (ban hành tại Quyết định số 5039/QĐ-UBND ngày 09/11/2018 của UBND TP):

– Bình quân số tiêu chí đạt trên 01 xã là 18,84/19 tiêu chí (tăng 1,64 tiêu chí so với cuối năm 2019 là 17,2 tiêu chí).

+ Nhóm 1 (đạt 19 tiêu chí): 49 xã, tỷ lệ 87,5%, gồm: Củ Chi: 17/20 xã,           Hóc Môn: 08/10 xã, Bình Chánh: 12/14 xã, Nhà Bè: 06/6 xã, Cần Giờ: 06/6 xã.

+ Nhóm 2 (đạt 18 tiêu chí): 05 xã, tỷ lệ 8,9% (xã An Phú, Bình Mỹ, Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi; xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn – Lý do: còn chỉ tiêu 19.2. về an ninh trật tự chưa đạt và xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn – lý do: chưa đạt chỉ tiêu 18.3. Đảng bộ xã hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên).

+ Nhóm 3 (đạt 17 tiêu chí): 02 xã, tỷ lệ 3,6%:  xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (xã Vĩnh Lộc A – còn lại chỉ tiêu 17.2 – Còn 02 cơ sở gây ô nhiễm môi trường chuẩn bị xử lý và chỉ tiêu 18.3 – Năm 2018 và năm 2019. Đảng bộ xã không hoàn thành nhiệm vụ; xã Vĩnh Lộc B – còn lại Chỉ tiêu 17.2 – Còn 02 cơ sở gây ô nhiễm môi trường chuẩn bị xử lý và Chỉ tiêu 18.6 – năm 2019 xã không đạt chuẩn tiếp cận pháp luật)

3. Kết quả triển khai thực hiện Phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”:

Thực hiện phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận – huyện triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với nội dung thi đua xây dựng nông thôn mới; đối với từng tổ chức chính trị – xã hội đều có tổ chức phát động phong trào thi đua riêng, như: “Tháng thanh niên hành động xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên nông thôn lập nghiệp”; “Trồng cây xanh trên các tuyến đường ở các xã nông thôn mới”; “Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi, xây dựng xã nông thôn mới”; “Hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự”; “Lực lượng vũ trang Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”… Qua phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về
vai trò của bản thân đối với công cuộc xây dựng nông thôn mới đã có chuyển biến rõ nét.

Tổng kinh phí đã thỏa thuận ký kết hỗ trợ của 48 đơn vị chung sức nông thôn mới (theo Thông báo số 316-TB/TU ngày 07 tháng 12 năm 2016) với 5 huyện là: 81,215 tỷ đồng để thực hiện hỗ trợ an sinh xã hội, sản xuất, hoạt động văn hóa, hỗ trợ vật tư làm đường giao thông đối với các tuyến đường có quy mô nhỏ hơn 500m. Đến nay, các huyện đã tiếp nhận kinh phí hỗ trợ là 41,151 tỷ đồng. Trong giai đoạn này tổng kinh phí các đơn vị ngoài các đơn vị ký kết đã hỗ trợ hơn 61,715 tỷ đồng.

Lũy tiến kết quả thực hiện Phong trào chung sức nông thôn mới từ khi bắt đầu chương trình nay (bao gồm các đơn vị hỗ trợ ký kết và ngoài ký kết): hơn 457,528 tỷ đồng (các đơn vị hỗ trợ ký kết chung sức: 139,649 tỷ đồng, các đơn vị ngoài ký kết: 317,879 tỷ đồng).

Qua phong trào tại 5 huyện, từ khi thực hiện Chương trình đến nay đã huy động được 33.848 hộ dân hiến đất, vật kiến trúc làm đường, với diện tích 3.169.978 m2 ước kinh phí hơn 2.319 tỷ 940 triệu đồng. Huy động cộng đồng cùng chung sức xây dựng 2.290 tuyến hẻm, tổng chiều dài 339,1 km với tổng kinh phí 901 tỷ 778 triệu đồng.

Qua phong trào “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới” xuất hiện nhiều gương điển hình trong hiến đất làm đường, sản xuất giỏi, làm giàu, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, an sinh xã hội, phát triển giao thông nông thôn, thủy lợi nhỏ,… các gương điển hình đã được tổng kết, nhân rộng, góp tạo nên sự thành công của Chương trình.

4. Kết quả huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới:

4.1. Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 là 43.065 tỷ 410 triệu đồng. Trong đó:

– Vốn ngân sách Trung ương: 41 tỷ 00 triệu đồng tỷ lệ 0,10% (vốn Trung ương khen thưởng nông thôn mới thành phố cấp sau giai đoạn 2011 – 2015).

– Vốn ngân sách Thành phố: 6.018 tỷ đồng tỷ lệ 13,97%.

+ Vốn NTM: 5.674 tỷ 300 triệu đồng, tỷ lệ 13,18%.

+ Vốn lồng ghép: 343 tỷ 700 triệu đồng, tỷ lệ 0,8%.

– Vốn huy động từ cộng đồng: 37.006 tỷ 415 triệu đồng tỷ lệ 85,93%.

+ Vốn dân: 1.711 tỷ 953 triệu đồng, tỷ lệ 3,98%.

+ Vốn tín dụng     : 34.920 tỷ 619triệu đồng, tỷ lệ 81,09%.

+ Vốn doanh nghiệp: 373 tỷ 843 triệu đồng, tỷ lệ 0,87%.

4.2. Lũy tiến huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020 là 79.995 tỷ 850 triệu đồng. Trong đó:

– Vốn ngân sách Trung ương: 61 tỷ 230 triệu đồng tỷ lệ 0,08% (Vốn khen thưởng và đầu tư 01 công trình tại xã điểm Tân Thông Hội, đào tạo nghề).

– Vốn ngân sách Thành phố: 15.929 tỷ 740 triệu đồng tỷ lệ 19,91%;

+ Vốn NTM: 11.151 tỷ 275 triệu đồng, tỷ lệ 13,94%;

+ Vốn lồng ghép: 4.778 tỷ 466 triệu đồng, tỷ lệ 5,97%;

– Vốn huy động từ cộng đồng: 64.004 tỷ 881 triệu đồng, tỷ lệ 80,01%;

+ Vốn dân: 3.401 tỷ 163 triệu đồng, tỷ lệ 4,25%;

+ Vốn tín dụng     : 59.083 tỷ 222 triệu đồng, tỷ lệ 73,86%;

+ Vốn doanh nghiệp: 1.520 tỷ 496 triệu đồng, tỷ lệ 1,90%.

5. Kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong thực hiện Chương trình: Từ khi thực hiện Chương trình đến nay, Thành phố không có nợ đọng xây dựng cơ bản.

II. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Mặt được

Qua 5 năm thực hiện Chương trình, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ Thành phố đến cơ sở, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự tham gia chủ động của người dân trong thực hiện Chương trình, bộ mặt nông thôn ngoại thành thay đổi và đã đạt được những kết quả khá tích cực, đạt được kết quả nổi bật sau:

1.1. Khoảng cách chênh lệch giữa thu nhập nông thôn và thành thị dần thu hẹp: Năm 2019 thu nhập của người dân vùng nông thôn 63,096 triệu đồng/người/năm tăng 58,85% so với năm 2015 và tăng 172,32% so với năm 2010. Khoảng cách thu nhập giữa nông thôn và thành thị ngày càng thu hẹp qua các năm: năm 2008, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn Thành phố bằng 55,5% so với thành thị; năm 2010 là 66,5%, năm 2016 là 71,9%, năm 2019 là 72,57%.

1.2. Thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo Quốc gia, chuẩn nghèo Thành phố được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm: Hiện nay, hộ nghèo của 56 xã còn có 445 hộ nghèo có thu nhập bình quân từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống, chiếm tỷ lệ 0,1%/tổng hộ dân 56 xã.

1.3. Năng suất lao động khu vực nông thôn được cải thiện: Năng suất lao động năm 2008 đạt 29,4 triệu đồng/người, năm 2015 đạt 102,6 triệu đồng/người, năm 2019 đạt 139,6 triệu đồng/người. Tốc độ tăng năng suất lao động năm 2019 so với năm 2008 đạt 374,7%.

1.4. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp, số hộ nông lâm ngư nghiệp giảm: Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bình quân giảm khoảng 900ha/năm, số hộ nông lâm ngư nghiệp bình quân giảm 6,38%/năm. Tuy nhiên, nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, giống cây con chất lượng cao, chuyển dịch sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, chính sách hỗ trợ lãi vay đầu tư sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thành phố, giai đoạn 2016 – 2019: GRDP bình quân tăng 5,8%/năm, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp năm 2019 đạt 21.160,9 tỷ đồng, tăng 6,19% (Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần X tăng 5,8% – 6%). Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đất canh tác/năm tăng đều qua các năm, từ 158,5 triệu đồng/ha năm 2010, đạt 550 triệu đồng/ha/năm 2019 (cao nhất cả nước, gấp hơn 05 lần bình quân cả nước, theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

1.5. Phong trào “Thành phố Chung sức xây dựng nông thôn mới” được cả hệ thống chính trị, cộng đồng hưởng ứng thực hiện với nhiều hoạt động thiết thực: đã huy động được 33.848 hộ dân hiến 3.169.978 m2 đất để xây dựng mở rộng đường giao thông nông thôn, ước giá trị trên 2.319 tỷ 940 triệu đồng; Huy động cộng đồng cùng chung sức xây dựng 2.290 tuyến hẻm, tổng chiều dài 339,1 km với tổng kinh phí 901 tỷ 778 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, xây dựng đường giao thông nông thôn,… với tổng kinh phí hỗ trợ là 457 tỷ 528 triệu đồng.

1.6. Kết nối tiêu thụ nông sản; kết nối liên kết sản xuất giữa “Hộ nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp” được tập trung thực hiện: bình quân có 6.770 tấn rau củ quả/năm, 547 tấn thủy sản/năm được sản xuất theo chuỗi liên kết “Hộ nông dân – Hợp tác xã – Doanh nghiệp”; 587 phiên chợ nông sản an toàn được tổ chức, với 11.056 đơn vị tham gia, kết nối tiêu thụ nông sản qua 200 hợp đồng, với giá trị 22,5 tỷ đồng/tháng.

1.7. Chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị được đông đảo người dân tham gia thực hiện có hiệu quả:

Lũy tiến từ năm 2011 đến nay: thành phố đã phê duyệt 24.528 lượt tổ chức, hộ dân, cá nhân vay vốn có hỗ trợ lãi vay để phát triển sản xuất nông nghiệp, tổng vốn đầu tư 13.630,444 tỷ đồng, tổng vốn vay 8.266,568 tỷ đồng, bình quân vốn đầu tư/phương án là 556 triệu đồng/phương án. Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ lãi vay từ ngân sách đối với các phương án được duyệt trên địa bàn thành phố là 673,525 tỷ đồng, cho thấy với 01 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay, sẽ huy động được 20 đồng vốn xã hội, trong đó huy động từ tổ chức tín dụng là 12 đồng, huy động trong dân là 8 đồng.

1.8.6. Tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố: Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, có một số sản phẩm vẫn tăng. Như:  Rau: Sản lượng đạt 203.462 tấn, tăng 1,2% so cùng kỳ; Hoa, cây kiểng đạt 2.549 ha, tăng 12,5% so cùng kỳ.

1.9. Hạ tầng phục vụ sản xuất và an sinh xã hội được tập trung: 2.970 công trình hạ tầng kỹ thuật, xã hội được đầu tư, đáp ứng nhu cầu đi lại, giao thương phát triển sản xuất, dạy – học, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí của người dân nông thôn.

  1. Những hạn chế, tồn tại chủ yếu

– Công tác chỉ đạo điều hành, kiểm tra, giám sát, xem xét, xử lý những vấn đề phát sinh của một số đơn vị sở, ngành, huyện, xã chưa đạt yêu cầu. Còn tình trạng chậm trễ trong tham gia ý kiến; công tác phối hợp thiếu sự chủ động; tính sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chưa nhiều. Còn có đơn vị trách nhiệm chưa cao trong tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện nông thôn mới; chưa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Chương trình. Công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình, nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả mặc dù có quan tâm thực hiện, nhưng kết quả đạt được chưa đạt yêu cầu; hình thức, nội dung, phương pháp tuyên truyền chưa có sự đa dạng, thiếu phong phú, tác dụng lan tỏa chưa nhiều, có nơi thực hiện mang tính hình thức.

– Phát triển kết cấu hạ tầng của vùng nông thôn Thành phố chưa bắt kịp tốc độ phát triển về kinh tế – xã hội Thành phố. Một số huyện, chất lượng đường giao thông còn yếu, xuống cấp do công tác duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức; hệ thống trường học các cấp chưa được quan tâm đầu tư để bổ sung phòng học, trang thiết bị giảng dạy theo yêu cầu mới.

– Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa được thực hiện rộng rãi. Còn một bộ phận người dân còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; liên kết sản xuất chưa bền vững.

– Môi trường, cảnh quan có chuyển biến tích cực so với giai đoạn 2010 – 2015, nhìn toàn diện vẫn chưa đạt yêu cầu mong muốn (vẫn có khu vực còn rác thải ven đường; chưa xây dựng được nhiều tuyến đường xanh – trồng cây – hoa…).

– Tình hình an ninh, trật tự xã hội tại các xã vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, chưa thực sự bền vững (kiềm chế, kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội hằng năm, nếu không tập trung, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc luôn có thể phát sinh tăng trong tình hình tăng dân số cơ học…).

VĂn phòng Điều phối nông thôn mới thành phố_Trương Công Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *