Thu lãi cao từ trồng bí lấy đọt

“Là con nhà nông chính hiệu, hầu như rau gì, cây gì, tôi cũng đã trồng qua, nhưng từ khi trồng bí lấy đọt thì tôi lại “ưa” cây này. Vì đây là loại cây dễ trồng, ít công chăm sóc, mà sản phẩm lại được nhiều người ưa chuộng và bán rất chạy”, chị Lê Thị Thu (48 tuổi, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TPHCM) chia sẻ. 

Trước đây, chị Thu chủ yếu trồng lúa. Do thu nhập từ lúa không cao, chị Thu chuyển sang trồng bí lấy đọt, xen canh trồng cải xanh và khổ qua. Chị cho biết, đọt bí là một trong những loại rau luôn hút hàng, đến mùa thu hoạch, chị cắt không đủ bán.

Chị Lê Thị Thu đang chia sẻ về cách trồng hoa vạn thọ

Cũng theo chị Thu, bí trồng lấy đọt có thể trồng quanh năm, nhưng thời vụ thuận lợi nhất là cuối mùa mưa (khoảng tháng 10, tháng 11 âm lịch). Chỉ cần lên liếp, trộn phân rơm, cỏ mục, rồi rạch luống, rải hạt (3 hạt/lỗ), mỗi lỗ cách nhau khoảng 7 – 8 tấc. Hàng ngày tưới nước, nửa tháng sau bón lót cho cây phát triển nhanh. Khoảng 3 tuần, cây ra đọt non và bò lan ra mặt liếp. Thời gian này, có thể thu hoạch lứa đọt non đầu tiên để bán (khoảng 10kg – 15kg đọt), sau đó cây sẽ đẻ nhánh nhiều thêm (khoảng 3 – 4 đọt/cây) và cứ cách tuần thu hoạch 1 lần (khoảng 25kg – 30kg). Với diện tích hơn 400m2 của gia đình, chị Thu trồng 10 liếp bí đỏ lấy đọt, mỗi ngày chị cắt bán khoảng 15kg – 20kg, giá 20.000 – 30.000 đồng/kg. Trung bình, trong mỗi đợt thu hoạch, chị thu được khoảng 500.000 đồng/ngày.

Đọt bí

Ngoài trồng bí để lấy đọt, xen canh cải xanh và khổ qua, chị Thu còn nuôi bò, vịt đồng và cá tra, cá phi… Chị chia sẻ: “Gia đình chủ yếu làm nông nên hầu như là tận dụng hết thời gian và lấy ngắn nuôi dài để nâng cao thu nhập”. Vì thế, đến những tháng giáp tết, chị còn tranh thủ trồng hoa vạn thọ. Chị vui mừng cho biết, mùa Tết 2018 vừa rồi, chị được Trung tâm Khuyến nông TPHCM hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng hoa vạn thọ, chị đã trồng khoảng 400 chậu. Sau gần 1,5 tháng thì vạn thọ ra hoa, chị bán trung bình 40.000 – 50.000 đồng/chậu. “Đây cũng là nguồn thu kha khá cho gia đình được trọn vẹn hơn trong những ngày xuân”, chị Thu vui vẻ kể.

Sự siêng năng, chịu khó đã giúp chị Thu – một phụ nữ chân chất nhà nông – tạo dựng được kinh tế khá giả. “Bất kỳ nghề nào, thuộc lĩnh vực gì đi nữa, nếu chịu khó học hỏi thì từng bước sẽ đạt được kết quả, để có điều kiện lo cho gia đình và lo cho chính mình có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc hơn”, chị Thu bộc bạch.

Báo SGGP _ ĐOAN NHƯ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *