Giá muối trên thị trường ngày càng bấp bênh, không ổn định đầu ra, khiến nhiều diêm dân ở ấp đảo Thiềng Liềng (Thạnh An, Cần Giờ, TP.HCM) chuyển hướng và làm giàu nhờ tôm, cua.
Theo ông Năm Đổi (Nguyễn Văn Đổi – Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thiềng Liềng), từ năm 2015, với sự khuyến khích chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng của chính quyền địa phương nhằm tăng thu nhập bền vững phục vụ xây dựng nông thôn mới, một số diêm dân tranh thủ những tháng không làm muối đã cải tạo đồng muối chuyển sang nuôi tôm và cua thịt đem lại lợi nhuận kinh tế khá cao. Hiện trên ấp đảo này có khoảng 20 diêm dân nuôi tôm và 7 diêm dân nuôi cua thịt.
Bỏ muối “ôm” tôm, cua
Triển khai mô hình nuôi cua thịt tại ấp Thiềng Liềng (Thạnh An, Cần Giờ). Ảnh: T.Đ
Có thể nói, ông Năm Đổi là người tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu kinh tế của bà con nông dân hàng chục năm nay chỉ biết có hạt muối ở ấp đảo này. Qua tham gia các lớp tập huấn, tham quan học tập mô hình do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức, ông Đổi tích lũy được kiến thức về kỹ thuật nuôi cua và tôm sú.Vào thời điểm này, một số diêm dân nuôi tôm sú trên ấp đảo Thiềng Liềng chuẩn bị thu hoạch tôm. Ông Năm Đổi dự báo, vụ tôm này bà con nuôi tôm ở đây sẽ thắng lớn do tôm đang phát triển rất tốt.
Năm 2015, ông được Trạm Khuyến nông Cần Giờ chọn tham gia mô hình nuôi 5.000 con cua bằng con giống nhân tạo (do đơn vị đầu tư con giống) trên diện tích 5.000m2. Sau 3 tháng nuôi, trọng lượng cua đạt 200 – 250g/con, tỷ lệ sống 40 – 50%. Sau khi trừ chi phí cho đợt nuôi cua này, ông Đổi thu lãi 40 triệu đồng.
Tuy nhiên, con tôm sú mới là vật nuôi đem lại cho ông Năm Đổi nguồn lợi kinh tế cao nhất. Tranh thủ sau vụ thu hoạch muối, ông Đổi đã cải tạo 6.000m2 đồng muối để nuôi tôm sú. “Sau gần 5 tháng nuôi, vụ tôm đã mang lại lợi nhuận cho gia đình tôi gần 300 triệu đồng” – ông Đổi hào hứng cho biết. Thừa thắng xông lên, năm 2016, ông cải tạo thêm 1,5ha ao để bắt tay vào mùa vụ mới và lãi hơn 500 triệu đồng.
Cũng như ông Năm Đổi, ông Nguyễn Văn Thắng cũng là người đi đầu trong việc nuôi con cua thịt trên đồng muối. Ông bỏ ra 5.000m2 đất phối hợp Trung tâm Khuyến nông huyện Cần Giờ để làm mô hình nuôi cua thịt. Và cho đến giờ ông vẫn trung thành với con cua để mỗi vụ thu về lợi nhuận kinh tế ổn định.
Ông Năm Đổi cho biết, giờ diêm dân trên ấp đảo đã “mê mệt” con cua thịt. Hiện bà con nuôi cua đang trông ngóng lượng cua giống đạt chuẩn hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông huyện để triển khai nuôi cua trong vụ tới.
Nuôi cua biển tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Ảnh: T.L
Nâng thu nhập cho dân ấp đảo
Ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP.HCM cho biết, tiêu chuẩn nông thôn mới của TP.HCM giai đoạn 2016-2020 có những yêu cầu cao, như: Thu nhập bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng/năm, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 800 triệu đồng/năm, kèm theo đó là giảm nghèo bền vững đa chiều.
Đây là những áp lực không nhỏ lên chính quyền địa phương nếu không có cách làm khác với giai đoạn 1. Bên cạnh việc có mô hình và phương thức sản xuất phù hợp, địa phương còn cần có chính sách kích cầu, hỗ trợ lãi suất cho các hộ sản xuất…
Phó Bí thư Đàng ủy xã Thạnh An Trần Văn Thanh cho biết, hiện ấp đảo Thiềng Liềng có hơn 200 hộ. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là sản xuất muối chiếm gần 80%. Thời gian qua, do chuyền đổi cơ cấu sản xuất nhằm tăng thu nhập và bền vững cho diêm dân, phục vụ chương trình nông thôn mới, chính quyền khuyến khích nông dân tăng cường nuôi trồng thủy, hải sản.
“Mặc dù, đời sống bà con trên ấp đảo Thiềng Liềng vẫn còn khó khăn, nhưng thời gian qua nhờ chuyển đổi cơ cấu sản xuất mà mức thu nhập đã cải thiện khá nhiều. Nhìn chung, giờ ấp Thiềng Liềng là nơi có mức thu nhập cao nhất trong các ấp của xã đảo” – ông Thanh nhận xét.
Báo NTNN _ TRẦN ĐĂNG, ngày 18/10/2017