Mục tiêu của ngành nông nghiệp không chỉ dừng lại ở giá trị sản xuất 450 triệu đồng/ha/năm, mà phải đạt từ 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha/năm, qua đó nâng cao thu nhập của nông dân. Đó là mục tiêu của Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung.
Nông dân phấn khởi khi trồng lan cho lợi nhuận gấp 40-50 lần trồng lúa Ảnh: CAO THĂNG
TPHCM là một trong những địa phương thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm nhất cả nước, nhờ đó đã có sự chuyển dịch và phát triển cao hơn cả nước nhiều năm qua. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu nâng giá trị sản xuất từ mức 450 triệu đồng/ha/năm lên 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha/năm trong các năm tới, TPHCM cần những giải pháp gì? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM Nguyễn Phước Trung về nội dung này.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, phải chăng khi xác định được hướng chuyển đổi, từ nông nghiệp truyền thống lấy cây lúa làm đối tượng chính sang nông nghiệp đô thị, chọn những cây, con có giá trị cao (2 cây, 2 con) và nay là nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao, đã giúp TPHCM luôn có tốc độ phát triển cao so với cả nước?
Ông NGUYỄN PHƯỚC TRUNG: Giai đoạn 2001-2004 là thời kỳ chuyển dịch cơ cấu sản xuất rất mạnh của thành phố thông qua chương trình giống chất lượng cao với mũi đột phá 2 cây – 2 con (rau an toàn, dứa cayene, bò sữa, tôm sú), đến năm 2004 bổ sung thêm cây hoa kiểng và con cá cảnh. Từ đó, tạo ra nhiều mô hình hiệu quả như nuôi tôm sú công nghiệp thu nhập 140 triệu đồng/ha/năm; nuôi bò sữa 5 con/hộ, thu nhập 45 triệu đồng/năm; trồng rau an toàn thu nhập 150-180 triệu đồng/ha/năm; nuôi cá sấu 50 con/hộ, thu nhập 150 triệu đồng/năm… Trong giai đoạn 2005-2010, mục tiêu là chuyển dịch diện tích trồng lúa năng suất thấp (11.000ha) sang các loại cây trồng, vật nuôi khác có hiệu quả hơn như rau, hoa kiểng, thủy sản…, góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành nông lâm ngư nghiệp năm 2010 đạt 158,2 triệu đồng/ha/năm.
Nhờ những thành quả đó, TPHCM đã đặt ra mục tiêu lâu dài là phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học. Giai đoạn 2014-2017, với việc chuyển 1.967ha diện tích đất lúa hiệu quả thấp (giảm bình quân 6%/năm), 455ha diện tích mía (giảm 5,1%/năm), 1.071ha diện tích cao su (giảm 6,5%/năm), thành phố đã phát triển được nhiều mô hình hiệu quả khi chuyển từ trồng lúa (lợi nhuận bình quân 17 triệu đồng/ha/năm) sang trồng rau các loại (lợi nhuận bình quân 300 – 600 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 17 – 35 lần so trồng lúa), trồng lan các loại (lợi nhuận bình quân đạt 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha/năm, gấp 40 – 50 lần so với trồng lúa), nuôi tôm sú (thâm canh, bán thâm canh, lợi nhuận gấp 10 – 25 lần so với trồng lúa). Tương tự với cây mía (lợi nhuận bình quân 10 triệu đồng/ha/năm), khi chuyển sang trồng mai nguyên liệu thì lợi nhuận gấp 70 lần (700 triệu đồng/ha/năm).
Ngoài ra, TPHCM cũng cho thấy việc ứng dụng công nghệ cao đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho người nông dân thành phố, qua việc đã hình thành nhiều loại hình và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể như trồng dưa lưới cho lợi nhuận 890 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng rau xà lách thủy canh và cà chua bi cho lợi nhuận 1,1 – 1,3 tỷ đồng/ha/năm; trồng ớt ngọt trong nhà màng, trồng trên giá thể, hệ thống tưới nhỏ giọt cho lợi nhuận 1,2 tỷ đồng/ha/năm; trồng hoa chuông trong nhà màng, giá thể, tưới nhỏ giọt cho lợi nhuận 2,2 tỷ đồng/ha/năm. Đến năm 2017, giá trị sản xuất ngành nông lâm ngư nghiệp của TPHCM đạt 450 triệu đồng/ha/năm, gần gấp 3 lần so với năm 2010.
Có một thực tế, thu nhập từ nông nghiệp của người dân TPHCM ngày càng giảm, nguồn thu nhập chính không còn từ nông nghiệp mà là từ lĩnh vực khác (phi nông nghiệp). Hiện tượng này nói lên điều gì?
Đời sống nông dân được cải thiện và từng bước nâng cao trong thời gian qua, giá trị sản xuất bình quân 1ha đất sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2014-2017 tăng từ 282,5 triệu đồng ở năm 2013 lên 450 triệu đồng (bình quân tăng 12,3%/năm). Theo kết quả điều tra của Cục Thống kê TPHCM, thu nhập người dân nông thôn vùng ngoại thành tăng từ 39,7 triệu đồng/năm ở năm 2014 (khu vực thành thị là 61,4 triệu đồng/năm, gấp 1,54 lần khu vực nông thôn) lên 49,175 triệu đồng/năm ở năm 2017 (khu vực thành thị 65,2 triệu đồng/năm, gấp 1,32 lần), góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Nhìn chung, TPHCM cũng giống như các thành phố lớn khác trên thế giới, đều chịu nhiều áp lực trong quá trình đô thị hóa. Việc chuyển đổi nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp sang các ngành, lĩnh vực khác dẫn đến sự chuyển dịch lao động, góp phần nâng cao thu nhập và đa dạng hóa thu nhập cho người nông dân. Đồng thời, cùng với việc ban hành nhiều chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp đô thị, TPHCM đã hỗ trợ rất nhiều nông dân thành phố có thêm nhiều nguồn lực về vốn để mạnh dạn ứng dụng khoa học – công nghệ, đầu tư mở rộng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Là người đứng đầu ngành nông nghiệp TPHCM, theo ông, với việc suy giảm diện tích đất nông nghiệp qua từng năm, tương lai nông nghiệp thành phố có còn tồn tại không, khi đô thị hóa gần như không có điểm dừng. Nhất là khi thành phố kiến nghị chuyển đổi 26.000ha đất nông nghiệp sang mục đích khác?
Việc chuyển đổi diện tích đất lúa và các cây trồng khác kém hiệu quả sang các lĩnh vực hiệu quả cao hơn trong nội bộ ngành nông nghiệp và các lĩnh vực khác ngoài ngành nông nghiệp là một chủ trương đúng đắn và cần thiết, với mục tiêu cuối cùng là đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao thu nhập và đời sống cho người nông dân.
Nhằm tiếp tục đảm bảo vành đai xanh của thành phố, tạo môi trường cho khu vực nội thành, nâng cao thu nhập người nông dân, ngành nông nghiệp TPHCM tiếp tục cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị; tập trung vào phát triển sản xuất giống và những cây – con chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học kết hợp du lịch sinh thái góp phần nâng cao năng suất lao động và giá trị lợi nhuận trên một đơn vị diện tích.
Đẩy mạnh các hoạt động tổ chức sản xuất, sơ chế, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đào tạo nghề cho khu vực nông thôn; phát huy vai trò trung tâm của hợp tác xã giúp sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định bền vững, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu của ngành nông nghiệp không chỉ dừng lại ở giá trị sản xuất 450 triệu đồng/ha/năm, mà phải đạt từ 800 triệu đồng – 1 tỷ đồng/ha/năm, qua đó nâng cao thu nhập của nông dân.
Báo SGGP _ CÔNG PHIÊN