Nông dân không còn tâm huyết với đàn bò sữa

Hiện nông dân ở TPHCM đang giảm sự đầu tư cho đàn bò sữa. Nguyên nhân chính là do quy định thu mua sữa của các công ty sản xuất, chế biến sản phẩm từ sữa chưa thực sự rõ ràng, người chăn nuôi luôn ở thế bị động và thiệt thòi.

Nông dân vệ sinh cho bò để tránh sốc nhiệt

Là “cái nôi” của mô hình bò sữa nông hộ, với đàn bò lớn nhất cả nước nhưng thời gian qua, nông dân TPHCM đã ngán ngẩm với việc nuôi bò sữa mà theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân do giá thu mua sữa bấp bênh, lợi nhuận không còn hấp dẫn nên nông dân không muốn tăng đàn, không còn cần mẫn chăm sóc như trước mà chỉ nuôi thuận theo tự nhiên… khiến chất lượng và năng suất sữa đều sụt giảm.

Giảm đàn 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giai đoạn 2014-2018, tổng đàn bò sữa cả nước tăng bình quân 10,1%/năm. Tính tới tháng 6-2018, TPHCM có tổng đàn bò sữa 73.642 con, chiếm 23,76% tổng đàn bò sữa của cả nước, thấp hơn gần 20% so với năm 2014. Trong đó, đàn bò cái vắt sữa là 37.412 con, chiếm tỷ lệ 50,8% so tổng đàn.

TS Phạm Hồ Hải, Phó trưởng Phòng Khoa học Công nghệ (Sở NN-PTNT TPHCM), đánh giá khuynh hướng chung của đàn bò sữa ở TP có giảm tổng đàn nhưng lại tăng tỷ lệ bò cái vắt sữa, năng suất sữa cũng tăng. Điều này phù hợp với Đề án Nâng cao chất lượng đàn bò sữa TPHCM giai đoạn 2016-2020 là duy trì đàn bò sữa không quá 100.000 con, năng suất sữa đạt bình quân 7.700kg/con/năm; xây dựng cơ cấu đàn bò cái sinh sản chiếm 65% – 70% và đàn bò cái vắt sữa chiếm 50% tổng đàn. Ngoài ra, chăn nuôi bò sữa đang theo hướng chăn nuôi tập trung quy mô lớn, giảm dần quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ. Qua khảo sát của Sở NN-PTNT TPHCM, có 96% số hộ chăn nuôi giao sữa cho các công ty lớn như Vinamilk, Friesland Campina… và 3,89% số hộ tự tiêu thụ sữa.

TS Phạm Hồ Hải cho hay, nguồn thu chính của bò sữa chủ yếu từ tiền bán sữa. Trung bình sản lượng sữa khoảng 5.700kg/bò/năm, giá bán khoảng 12.600 đồng/kg, thu được 72 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, một phần nhỏ thu nhập là từ bán bê đực, bò sữa già (để làm thịt) khoảng 5 triệu đồng/con, phân bò được khoảng 2 triệu đồng/con/năm. Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn phụ thuộc nhiều vào giá thu mua sữa tươi và thức ăn chăn nuôi (thức ăn tinh hay thức ăn thô).

TS Chung Anh Dũng, Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) phân tích, năng suất sữa của đàn bò Việt Nam vẫn còn rất thấp so với các nước phát triển như Australia, Mỹ… Hiện nay, nếu đơn thuần sử dụng tinh bò đực để phối giống cho đàn bò cái có năng suất sữa cao, thì vẫn rất khó để đuổi kịp năng suất sữa bình quân của đàn bò sữa trên thế giới. Điều này cho thấy, nông dân cần chọn lọc, áp dụng thêm nhiều phương pháp, kỹ thuật mới trong lai giống bò sữa.

Ngán ngẫm

Theo TS Đoàn Đức Vũ, Phân viện chăn nuôi Nam bộ, TPHCM xuất phát nhanh hơn nhiều tỉnh thành nhưng đến thời điểm hiện tại đang dần thua nhiều địa phương khác do chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nông dân ở TPHCM đang giảm sự đầu tư cho đàn bò sữa. Nguyên nhân chính là do quy định thu mua sữa của các công ty sản xuất, chế biến sản phẩm từ sữa chưa thực sự rõ ràng, người chăn nuôi luôn ở thế bị động và thiệt thòi. Đặc biệt, thức ăn ngày càng tăng giá, vì thế người chăn nuôi không còn tâm huyết đầu tư, thay vào đó để đàn bò phát triển thuận theo tự nhiên và việc này đã vô tình khiến môi trường chăn nuôi bị ô nhiễm nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Đến tận các nông hộ chăn nuôi, phóng viên ghi nhận được nhiều nông dân phản ánh về việc thu mua không rõ ràng, nhưng lại không dám nêu tên vì lo ngại sẽ bị đơn vị thu mua cắt hợp đồng. Theo nhiều nông dân, có đơn vị thu mua giá 7.000 – 14.000 đồng/kg và rất hiếm khi bán được giá 14.000 đồng/kg…

TS Chung Anh Dũng cho biết khí hậu, bệnh tật, điều kiện quản lý của nông hộ, nhiệt độ, độ ẩm… đã làm ảnh hưởng lên đàn bò. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, nhiệt độ cao và độ ẩm cao sẽ làm giảm khả năng sản xuất và sinh sản của bò, nhất là các giống bò có nguồn gốc ôn đới và các nhóm bò lai có máu ôn đới nuôi tại vùng nhiệt đới. Con bò thường hay sốc nhiệt khiến chất lượng sữa sụt giảm. Do vậy, chuồng nuôi phải cải thiện với nhiệt độ làm mát như xây dựng hệ thống tạo bóng mát quanh chuồng, hệ thống cách nhiệt trên mái, thiết lập hệ thống làm mát không khí trong chuồng bằng điều hòa nhiệt độ, hệ thống làm mát cục bộ, phun sương. Ngoài ra, lót nền bằng tấm cao su phù hợp với sinh lý bò sữa, đảm bảo vệ sinh bầu vú và sức khỏe móng chân.

Năng suất chăn nuôi là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh tế và tính bền vững, nông dân cần tập trung đầu tư vào chuồng trại, dinh dưỡng; thường xuyên tẩy uế, vệ sinh chuồng trại, ứng dụng công nghệ vi sinh trong xử lý chất thải chăn nuôi

Báo SGGP _ THANH HẢI

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *