Người dân phải được dùng nông sản sạch

 “Người dân phải được ăn, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dân”- Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Ngày 10-11, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thống nhất quan điểm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương cũng như của toàn xã hội về sự cần thiết phải cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thị trường tiêu thụ nông sản được mở rộng, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu tăng nhanh, tăng tỷ trọng các sản phẩm có lợi thế và sản phẩm đã qua chế biến.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: VGP

Đến nay, nông sản Việt Nam hiện đã có mặt tại thị trường của 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch xuất khẩu tăng nhanh – bình quân đạt 31,5 tỷ USD/năm, tăng 51,2% so với bình quân giai đoạn 5 năm trước đó…

Bên cạnh những mặt đạt được, các đại biểu dự hội nghị cho rằng Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp cần có chiến lược lâu dài, đòi hỏi có tầm nhìn xa.

Vì vậy, cần có thêm các cơ chế, chính sách mới để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, triển khai hiệu quả Đề án Xây dựng và phát triển 15.000 hợp tác xã hoạt động có hiệu quả, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất giữa hộ nông dân với hợp tác xã và doanh nghiệp, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại.

Nhất trí với báo cáo sơ kết của Bộ NN-PTNT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định qua 5 năm tái cơ cấu, ngành nông nghiệp đã thu được nhiều kết quả quan trọng, thực hiện mục tiêu và các giải pháp của Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và các mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII đã đề ra.

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra yêu cầu nhanh chóng khắc phục để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao đời sống của người nông dân. Chất lượng tái cơ cấu ở một số nơi còn thấp. Sản xuất chưa gắn với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương.

Sản xuất rau theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Lâm Đồng

Phó Thủ tướng cũng đánh giá, quy mô của nhiều sản phẩm còn nhỏ, năng suất, chất lượng thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường nên giá trị gia tăng thấp, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tầm nhìn trong giai đoạn tới, cần xác định mục tiêu chung là “xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc tế và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng”.

Trên cơ sở tái cơ cấu, Bộ NN-PTNT chủ trì với các bộ, ngành liên quan, các địa phương tổ chức lập các quy hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, đặc biệt là xây dựng kế hoạch để xác định lộ trình, nguồn lực đầu tư hạ tầng và phát triển các sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp. Tập trung vào các mô hình kinh doanh mới, góp phần định hướng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tái cơ cấu nông nghiệp cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của các nhà khoa học, ứng dụng nhanh các thành tựu trong khoa học – công nghệ tiên tiến cho phát triển sản xuất nông nghiệp để tạo ra các sản phẩn nông nghiệp có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Phải tổ chức lại thị trường trong nước, nhất là thị trường bán lẻ.

“Người dân phải được ăn, sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Không vì lợi nhuận trước mắt mà đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của người dân”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh giữ vững các thị trường truyền thống, phải tích cực đàm phán để đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến các thị trường mới; tích cực quảng bá thương hiệu nông sản Việt Nam. Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tập trung tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp; xây dựng cơ chế, chính sách thuận lợi để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cải cách hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Báo SGGP _ VĂN PHÚC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *