Là vật nuôi giúp người dân tạo ra giá trị và thu nhập cao gấp nhiều lần so với nông nghiệp truyền thống xét trên cùng một đơn vị diện tích, cá cảnh đã được TPHCM xác định là sản phẩm chủ lực để phát triển trong quá trình tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hơn 70 năm truyền thống
Nếu xét về quá trình, nghề nuôi và kinh doanh cá cảnh đã hình thành rất lâu ở TPHCM với sự xuất hiện chợ cá cảnh Lưu Xuân Tín (quận 5) từ giữa thập niên 1940. Trước năm 1975, TPHCM đã tập trung nhiều người nuôi cá cảnh với tay nghề và năng lực kinh doanh có tiếng trong khu vực.
Hiện nay, TPHCM đã hình thành lực lượng kế thừa hùng hậu, cả về tay nghề và năng lực kinh doanh. Nhờ đó, TPHCM hình thành nên thế mạnh là thuần dưỡng và cho sinh sản nhân tạo các loài cá cảnh nhập nội như cá chép Nhật, cá ông tiên, cá dĩa…, cũng như sản xuất cá bản địa phục vụ cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, cá cảnh là vật nuôi giúp cho người dân tạo ra được giá trị và thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng hay vật nuôi truyền thống khác.
Nuôi cá Koi tại trại cá Châu Tống. Ảnh: CAO THĂNG
Tổng diện tích nuôi cá cảnh của TPHCM hiện nay gần 89ha với hơn 290 cơ sở, hộ nuôi, tập trung nhiều nhất ở huyện Bình Chánh (50ha/110 cơ sở và hộ nuôi); huyện Củ Chi (25ha/41 cơ sở, hộ nuôi). Trong đó, Công ty cổ phần Sài Gòn cá kiểng (Saigon Aquarium) và Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn có diện tích sản xuất 12ha, Công ty Thiên Đức 1ha; số còn lại ở huyện Hóc Môn, các quận 8, 9, 12, Thủ Đức, Gò Vấp. Loài cá cảnh được nuôi nhiều nhất là cá dĩa, chép Nhật, Koi, bảy màu, hòa lan, hồng kim…
Từ đầu những năm 2000, TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước xác định cá cảnh là vật nuôi chủ lực trong nền nông nghiệp đô thị. Thành phố đã có chủ trương, chính sách để nghề này phát triển, như quy hoạch làng nghề cá cảnh dọc sông Sài Gòn ở 2 xã Phú Hòa Đông và Trung An (huyện Củ Chi); tổ chức Festival sinh vật cảnh lần đầu tiên cả nước vào năm 2006, thực chất là từ nền tảng cá cảnh nên mới có tên AQUAVINA 2006. Trước đó, Hội Cá cảnh TPHCM cũng đã được thành lập, sau đó là Tạp chí Cá cảnh của hội được xuất bản, đã tạo làn sóng mới trong việc tập họp những người nuôi hay yêu thích cá cảnh thuộc nhiều tầng lớp với những sinh hoạt định kỳ.
Cá cảnh được sản xuất tại TPHCM đa dạng, với trên 100 loài cá cảnh giá trị của thế giới. Chủng loài chính có hơn 50 loài nuôi sinh sản và 20 loài khai thác tự nhiên thuần dưỡng làm cảnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân 2010-2018 là 15%. Riêng năm nay, số lượng được sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 180 triệu con, tăng 16,1% so với năm 2017.
Do hiệu quả nuôi cá cảnh khá rõ nét và khá cao nên người dân thành phố, với nhiều biện pháp hỗ trợ của địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang cá cảnh. Từ TPHCM, sản xuất cá cảnh đã lan rộng sang các địa phương khác xung quanh như Long An, Tây Ninh, Tiền Giang, Bình Dương… Chi cục Thủy sản TPHCM cho biết, thành phố chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước.
Theo nhận định của ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, những kết quả trên vẫn chưa thể như kỳ vọng so với tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, thị trường, đầu mối giao thương, xuất khẩu của thành phố. Đặc biệt là khâu liên kết từ sản xuất đến thu mua, bán lẻ, xuất khẩu, xây dựng thương hiệu… vẫn là những mặt hạn chế của nghề nuôi cá cảnh – vốn dĩ gần như cha truyền con nối. Nếu không liên kết theo chuỗi thì ngành cá cảnh TPHCM khó có thể có phát huy hết tiềm lực để phát triển.
Hình thành chợ sinh vật cảnh
Theo PGS-TS Vũ Cẩm Lương, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, trong cơ chế thị trường, không chỉ có sản xuất và bán hàng hóa mà còn phải liên kết để tạo ra chuỗi giá trị tốt hơn. Đó là mô hình kinh tế đòi hỏi phải biết quản lý, điều phối, giúp hoạt động ngành hiệu quả hơn.
Xuất khẩu cá cảnh 10 tháng bằng cả năm 2017
Tại hội thảo xây dựng chuỗi giá trị cá cảnh TPHCM tổ chức cuối tuần qua, Chi cục Thủy sản TPHCM cho biết, đến tháng 9, các doanh nghiệp đã xuất khẩu cá cảnh gần 15 triệu con, kim ngạch xuất khẩu gần 17 triệu USD – tăng 14 % cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Các loại cá cảnh được xuất khẩu chủ yếu là neon, bảy màu, hòa lan… Dù xuất khẩu đến 43 quốc gia, nhưng tập trung nhiều nhất là các nước châu Âu (chiếm 54%). Dự kiến đến hết tháng 10 này, xuất khẩu cá cảnh sẽ bằng cả năm 2017 (18,2 triệu con với giá trị 20 triệu USD). Như vậy, năm nay có khả năng xuất khẩu 20 – 21 triệu cá cảnh, giá trị kim ngạch khoảng 22 – 23 triệu USD. Việt Nam đứng thứ 17 trong số 125 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia xuất khẩu cá cảnh, chiếm tỷ trọng 1,2%. PHIÊU NHIÊN |
Ông Phạm Lâm Chính Văn cho rằng, người nuôi và kinh doanh cá cảnh Việt Nam chưa quan tâm đến việc liên kết. Trong khi từ lâu các nước đã tạo chuỗi liên kết. Bởi một trang trại dù lớn cỡ nào, hay một nhà thương mại, sản xuất và xuất khẩu đơn thuần thì không thể nào đảm bảo cung cấp đầy đủ các đơn hàng, nên cần phải có sự liên kết. Thực tế, cũng đã xuất hiện liên kết một cách tự nhiên, chưa thật sự có sự gắn kết chặt chẽ. Việc hình thành sự liên kết giữa doanh nghiệp và người nuôi là cần thiết và hợp lý.
Ngoài yếu kém về sự liên kết, ngành cá cảnh còn yếu về con giống và năng lực khoa học kỹ thuật. Thực tế khâu giống chưa được sự quan tâm đúng mức của Nhà nước, dù đây là vấn đề quan trọng. Trong khi nhu cầu nhập khẩu giống luôn được đặt ra, do thị trường luôn đòi hỏi cái mới, lạ. Sắp tới Trung tâm Khuyến nông TPHCM sẽ cùng các địa phương xậy dựng một số mô hình trình diễn từ việc nhập khẩu con giống theo nhu cầu thị trường.
Chủ cơ sở Tân Xuyên chuyên kinh doanh cá cảnh đề nghị, trước hết cần xây dựng chợ cá cảnh, kết hợp chợ sinh vật cảnh (cây kiểng, hoa, thú cưng…) như cách mà Thái Lan đã làm. Ai có nhu cầu về sinh vật cảnh là đến chợ này. Vì cá cảnh không thể tách ra khỏi sinh vật cảnh. Về mô hình, chưa ai xây dựng mô hình nuôi cá cảnh kết hợp chăn nuôi. Ở Thái Lan, họ nuôi bo bo trong ao cho cá cảnh ăn. Nước thải dùng tưới cây, nuôi cá, heo. Còn ở Malaysia, khi rửa chuồng heo, phân heo và nước dùng để nuôi bo bo cho cá Boly ăn, lớn nhanh và đẹp. Hay mô hình nuôi nhỏ, lẻ cần có kỹ thuật và công nghệ xử lý nước nhằm hạn chế việc thay nước, giúp ích nhiều cho các hộ nuôi nhỏ lẻ của TPHCM.
Báo SGGP _ CÔNG PHIÊN, ngày 15/10/2018