Năm 2000, số lao động nông nghiệp TP là 140.045 người (chiếm 5,1% tổng số lao động của TP) thì năm 2011 chỉ còn 125.254 người (3,9%), năm 2015 còn 72.487 người (1,75%) và năm 2016 chỉ còn 43.355 người, bình quân chưa tới 2 lao động/hộ.
Nông dân thu hoạch rau muống
Theo kết quả điều tra của Ban chỉ đạo Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, ở TPHCM, do ảnh hưởng quá trình đô thị hóa những năm qua cũng như đặc điểm sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, điều kiện làm việc, thu nhập còn thấp và khá bấp bênh so với ngành nghề khác nên số lượng lao động lĩnh vực nông nghiệp tại TP đã dần chuyển sang ngành nghề phi nông nghiệp, nhất là giới lao động trẻ.
Nếu như năm 2000, số lao động nông nghiệp TP là 140.045 người (chiếm 5,1% tổng số lao động của TP) thì năm 2011 chỉ còn 125.254 người (3,9%), năm 2015 còn 72.487 người (1,75%) và năm 2016 chỉ còn 43.355 người, bình quân chưa tới 2 lao động/hộ.
Cũng theo kết quả điều tra này, số lượng hộ nông dân tại TPHCM (hộ nông – lâm – thủy sản) tính đến 1-7-2016 ở 11 quận và 5 huyện có sản xuất nông nghiệp là 25.414 hộ, chiếm 6,8% so với tổng số hộ dân sinh sống tại khu vực nông thôn (năm 2011 con số này là 10,9% và năm 2006 là 21,1%).
Nhưng nếu chỉ tính riêng 5 huyện ngoại thành là Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn và Bình Chánh (không tính 5 thị trấn của 5 huyện), số lượng hộ nông nghiệp là 22.541 hộ, chiếm 6% so với tổng số hộ dân sinh sống tại khu vực nông thôn (năm 2011 là 9,4%, năm 2006 là 19,3%). Như vậy đã có sự giảm dần trong 5 năm qua và giảm ở tất cả 5 huyện.
Điều này cho thấy có sự chuyển dịch rõ nét cơ cấu ngành nghề tại khu vực nông thôn của TP, từ hộ sản xuất nông – lâm – thủy sản sang ngành nghề thương mại – dịch vụ (số hộ nông dân tham gia ngành nghề thương mại – dịch vụ năm 2006 là 38%, đến 2016 là 42,7% trên tổng số hộ dân sinh sống khu vực nông thôn).
Báo SGGP _ ĐĂNG LÃM