Theo Sở NN-PTNT TPHCM, từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay TP đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 53.360 lượt lao động nông thôn; trong đó, số lao động có việc làm mới và tiếp tục làm nghề cũ đạt trên 80%.
Ngoài hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các ngành nghề phụ (xe nhang, làm bánh tráng, may mặc…) giải quyết việc làm, giảm bớt thời gian nhàn rỗi, góp phần nâng cao thu nhập người dân nông thôn. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề đạt 85% trên tổng số lao động đang làm việc.
TPHCM cũng đã bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, bước đầu đạt được một số kết quả thiết thực. Ðã thực hiện thí điểm thành công một số mô hình dạy nghề có hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng hoa lan, nuôi bò sữa, cá cảnh…) và các ngành nghề nông thôn, làm cơ sở để triển khai nhân rộng; số lao động nông thôn được học nghề ngày càng tăng.
Nuôi bò sữa nông hộ ở huyện Củ Chi
TPHCM còn ban hành kế hoạch, đề án triển khai hoạt động hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo các chính sách của Chính phủ như: Ðề án “Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn lĩnh vực nông nghiệp và ngành nghề nông thôn tại các xã xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP đến năm 2015, định hướng 2020”, đề án “Ðào tạo nghề phi nông nghiệp cho lao động nông thôn”…
Bên cạnh dạy nghề cho lao động nông thôn, TP cũng chú trọng đến việc tập huấn phương pháp cải thiện điều kiện sống, quản lý kinh tế hộ; khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Tổng kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2011-2015 là 31,5 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2016-2020 là 117 tỷ đồng.
Báo SGGP _ CÔNG PHIÊN