Cá cảnh ngày càng chứng tỏ lợi thế trong nền nông nghiệp đô thị ở TPHCM. Mặc dù có bước khởi động khá chậm, nhưng khi đời sống người dân được cải thiện, nhu cầu nuôi cá cảnh để trang trí, thư giãn ngày càng phổ cập ở nhiều đối tượng.
Gian hàng cá cảnh và sinh vật cảnh tại Hội chợ Nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp
thực phẩm lần 6 (Hi-Tech Agro 2017)
Nội địa vẫn là chủ yếu
Là người có thâm niên với nghề nuôi cá cảnh, ông Tống Hữu Châu, chủ Trại cá cảnh Châu Tống (quận 12), kể lại câu chuyện trước đây ông chỉ quan tâm đến việc nuôi cá để xuất khẩu. Có lần tình cờ đến cửa hàng bán cá cảnh gần một khu công nghiệp, ông thấy có nhiều công nhân vào xem.
Lân la hỏi chuyện, các cô cho biết chọn mua vài con về nuôi để khi rảnh rỗi nhìn cá bơi tung tăng trong hồ nhỏ nhắn cũng giúp thư thái tâm hồn, nhẹ nhàng đầu óc, giảm bớt căng thẳng sau những giờ làm việc. Lúc đó, ông Hữu Châu mới nghiệm ra thêm một điều, cá cảnh không chỉ dành cho giới có tiền, nuôi những con cá giá trị hàng triệu đồng; trước đây là các loại cá rồng như kim long, hồng long… còn gần đây có cá Koi – cá chép Nhật Bản. Như vậy, đối tượng nuôi cá giải trí đã được mở rộng, phổ cập nhiều hơn ở thị trường nội địa.
Những nhà cung cấp cá cảnh cho biết, hiện thị trường bán lẻ rất mạnh, không chỉ ở TPHCM hay vài TP lớn như Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng hay Hải Phòng mà nhu cầu đã xuất hiện ở nhiều TP nhỏ thuộc các tỉnh, kể cả khu vực Tây Nguyên như Buôn Ma Thuột, Pleiku.. Đó chính là điều kiện giúp ngành cá cảnh phát triển mạnh hơn.
Tiềm năng còn nhiều nhưng theo ông Lê Như Phú, chủ Cơ sở cá cảnh Phú Khang (quận 12, TPHCM), hạn chế của nghề nuôi cá cảnh hiện nay là quy mô cực nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, dù có nhiều người nuôi (285 cơ sở với sản lượng 135 triệu con) nhưng không mạnh. Các cơ sở hay trang trại nuôi manh mún, quá ít sản phẩm để chào hàng.
Với nghề này, PGS-TS Vũ Cẩm Lương, Đại học Nông Lâm TPHCM, nhận xét xu hướng tiêu dùng của ngành này đòi hỏi phải luôn mới và lạ. Trong khi các cơ sở sản xuất, nuôi cá cảnh đa phần sản xuất giống thuần túy có sẵn, một số loại giá trị bị suy thoái về chất lượng con giống. Bên cạnh đó, một số loài cá cảnh trong tự nhiên đã gần như tuyệt chủng như cá Thái Hổ… Nguồn giống vì vậy thiếu đa dạng và hiện chỉ tập trung vài loại đã có thương hiệu tốt như cá dĩa.
Việc lai tạo chọn các loại giống cá mới là vấn đề cần quan tâm. Ông Lê Hữu Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức (huyện Củ Chi), cho biết ngày càng phát sinh thêm nhiều dòng cá cảnh nằm trong danh mục của Cites ở dòng cá nước ngọt, đặc biệt là trên một số loại sinh vật biển. Điều này càng đặt ra việc nhân giống, lai tạo sinh sản là vô cùng cần thiết cho ngành cá cảnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và thị hiếu thường xuyên thay đổi của thị trường. Việc đa dạng loài là nhu cầu lớn và không kém phần thách thức. Vì vậy, nhập một số cá cảnh từ nước ngoài về bán và làm giống là phổ biến.
Những năm gần đây, Công ty Saigon Aquarium, Công ty Hải Thanh chuyên về cá chép Koi, Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức… và một số hộ mua cá từ nước ngoài về để sản xuất giống mới. Đa phần con giống mới được cung cấp thị trường trong nước giúp phong phú và đa dạng hơn giống loài cho thú chơi cá cảnh của người dân, nhưng danh mục con giống cá cảnh được nhập còn hạn chế.
Việc Tổng cục Thủy sản chỉ cho đăng ký 2 lần/năm, gây khó cho người làm giống khi muốn nhập khẩu nếu phát hiện nhu cầu của thị trường. Các nhà sản xuất cá cảnh cũng đề xuất cách tính thuế nhập khẩu cá cảnh về làm giống cần thật sự ưu đãi, dễ dàng, giúp nghề nuôi cá cảnh còn khá non trẻ có điều kiện làm mới con giống, đáp ứng nhu cầu mới và lạ trên thị trường.
Cá cảnh và sinh vật cảnh
“Vài năm nữa khi thuế suất bằng 0%, cá cảnh từ các nước ASEAN như Thái Lan… có thể sẽ xuất hiện ở Việt Nam, tham gia vào thị trường bán lẻ. Đó là viễn cảnh rất gần. Vì vậy, phải đứng vững “trận địa” trong nước trước khi nói đến xuất khẩu”, ông Tống Hữu Châu nêu ý kiến. Theo ông Châu, thị trường nội địa cần được tổ chức lại, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm vì nếu không có sự liên kết hay hợp tác sẽ làm rối loạn thị trường, người sản xuất bị ép giá.
TPHCM đã có các chính sách phát triển nghề nuôi cá cảnh, cũng như hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho các hộ gia đình và doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, nhưng mức độ phát triển nghề nuôi cá cảnh, tỷ trọng xuất khẩu vẫn còn khá thấp so với khả năng và tiềm lực. Ông Lê Hữu Thiện cho rằng, trình độ tay nghề của Việt Nam không thua các nước nhưng lại yếu về tổ chức và xúc tiến thương mại. Mặc dù rất muốn sản xuất cá cảnh tập trung để có điều kiện hợp tác, nhưng theo ông Lê Như Phú, trong bối cảnh hiện nay, mô hình vệ tinh là khả thi. Liên kết hình thành giữa doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất nhỏ để bán cái thị trường cần thay vì bán cái người nuôi có.
Là người nghiên cứu về thị trường cá cảnh, PGS-TS Vũ Cẩm Lương cho rằng, cần hình dung đầy đủ về thị trường cá cảnh để mở rộng thị trường nội địa. Đề cập đến công thức 10-90, PGS-TS Vũ Cẩm Lương so sánh giá trị cá cảnh chỉ khoảng 10% với người chơi cá cảnh, 90% còn lại là khâu thiết kế ao bể, trang thiết bị, tư vấn dịch vụ, chăm sóc khách hàng… Đó là những dịch vụ giúp gia tăng giá trị thị trường cá cảnh nói chung. Ngay cả thiết bị cho hồ cá cũng rất cần đa dạng như bao bạt, bể đất, lu hũ, chum vại, bể kính, cây thủy sinh… Vì vậy, mở rộng thị trường bằng việc đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng, có sự tương hỗ lẫn nhau, dần hình thành tour du lịch cá cảnh và sớm có chợ đầu mối sinh vật cảnh là điều cần thiết để nghề nuôi và thú chơi cá cảnh phát triển.
Báo SGGP _ CÔNG PHIÊN, ngày 25/12/2017