Khi TPHCM chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị, anh Trần Văn Huỳnh nhận thấy chăn nuôi bò sữa có khả năng phát triển tốt, do đầu ra sản phẩm ổn định và được sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể.
Chăn nuôi bò sữa có đầu ra sản phẩm ổn định
Anh Trần Văn Huỳnh (ngụ tại số D9/17 ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM) trước đây chủ yếu sống bằng nghề trồng hoa màu, nuôi bò lai Sind, nhưng thu nhập bấp bênh. Khi TPHCM chủ trương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với mô hình nông nghiệp đô thị, anh Huỳnh nhận thấy chăn nuôi bò sữa có khả năng phát triển tốt, do đầu ra sản phẩm ổn định và được sự hỗ trợ của các ban ngành, đoàn thể.
Anh Huỳnh chia sẻ thêm, chăn nuôi bò sữa không chỉ sản xuất sữa và bò giống, mà còn tạo ra bê đực lai hướng sữa nuôi thịt, cung cấp sản lượng thịt bò chất lượng cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Với suy nghĩ đó, anh quyết tâm học tập kinh nghiệm và kỹ thuật từ những người đã và đang chăn nuôi bò sữa, từ các buổi tập huấn, hội thảo, dự các buổi tham quan về chăn nuôi bò sữa hiệu quả do Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân địa phương tổ chức. Sau đó, anh Huỳnh mạnh dạn bắt tay vào việc gây dựng đàn bò sữa.
Đến nay, tổng đàn bò sữa của gia đình anh Huỳnh là 20 con (ảnh), trong đó có 8 con đang khai thác sữa, năng suất sữa bình quân 15 kg/con/ngày, hiện tại giá bán sữa cho Công ty Vinamilk là 14.000 đồng/kg. Nhờ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò sữa nên đàn bò luôn sinh trưởng, phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng đàn nhanh, tất cả bê cái sinh ra đạt tiêu chuẩn đều được giữ lại làm giống. Bê đực lai hướng sữa sinh ra được giữ lại nuôi vỗ béo theo phương thức nuôi nhốt, đầu tư thâm canh tại chuồng, vì thế bê tăng trưởng nhanh, ít bệnh tật. Hàng năm, anh Huỳnh thu được lợi nhuận bình quân từ tiền bán sữa (sau khi đã trừ mọi chi phí) khoảng 100 triệu đồng, chưa kể lợi nhuận từ việc vỗ béo bê đực lai hướng sữa lấy thịt.
Đúc kết kinh nghiệm sau nhiều năm chăn nuôi bò sữa, anh Huỳnh hồ hởi nói: “Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, trang bị kiến thức từ các lớp tập huấn, tham quan, hội thảo do cơ quan khuyến nông tổ chức, được Nhà nước hỗ trợ vốn vay, cộng với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, gia đình tôi đã đạt được thành công như hôm nay, cuộc sống đã ấm no, đầy đủ”.
Hướng sắp tới, anh Huỳnh sẽ tiếp tục chọn lọc để loại thải những con bò có năng suất sữa thấp, phối giống nhiều lần không đậu thai; chỉ giữ lại những bò cái cho năng suất sữa thấp nhưng khả năng sinh sản tốt để phối tinh bò thịt cao sản, nhằm gia tăng thêm lợi nhuận, cải thiện kinh tế gia đình.
Anh Huỳnh cho biết: “Thành quả đạt được hôm nay là nhờ các chủ trương đường lối đúng đắn về nông nghiệp, có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền và đoàn thể các cấp trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại. Đến nay, gia đình tôi đã trang bị được máy vắt sữa, bình nhôm chứa sữa, máy băm cỏ, máy cắt cỏ cầm tay; trồng thâm canh hơn 5.000m2 diện tích cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn thô xanh quanh năm cho đàn bò sữa và giảm được chi phí đầu vào”.
Báo SGGP _ Th.S LIÊN KIỀU, ngày 10/11/2017