Nhờ có những thành tựu đạt được của nông thôn mới (NTM) mà huyện Củ Chi, TPHCM, đã phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, tạo điều kiện cho kinh tế thông thương phát triển.
HTX Tân Thông Hội đã đưa nhà máy sữa vào hoạt động giúp thu mua sữa,
tạo thương hiệu sữa riêng cho huyện Củ Chi
Từ đó, nhiều “bài toán” khó của hợp tác xã nông nghiệp được tháo gỡ, giúp nông dân có cuộc sống sung túc hơn.
Khấm khá từ khi có hạ tầng
Xã Tân Thông Hội huyện Củ Chi được chọn là một trong 11 xã điểm của cả nước thí điểm xây dựng NTM từ năm 2009, sau đó triển khai rộng ra toàn huyện. Đến năm 2015, Củ Chi được công nhận huyện NTM đầu tiên của TPHCM. Giai đoạn 2010-2015, trên địa bàn huyện Củ Chi, thu nhập bình quân đạt trên 40 triệu đồng/người/năm. Trong đó, ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện. Đến thời điểm này, nhờ nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân của huyện Củ Chi đã tăng lên mức 46 triệu đồng/người/năm.
Đất nông nghiệp chiếm 70% tổng diện tích đất trên toàn huyện, nhờ định hướng của UBND huyện, nông dân đã giảm diện tích lúa năng suất thấp, chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, như hoa lan, cá cảnh, rau an toàn, bò sữa… Theo UBND huyện, với tỷ trọng chiếm 59%, chăn nuôi đã vượt qua trồng trọt (35%) và thủy sản (6%) trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Dù đã giảm về số lượng, đàn bò sữa của Củ Chi vẫn nhiều nhất TPHCM và có thể nói là nhiều nhất cả nước, với trên 72.900 con.
Thành tựu của nông nghiệp huyện Củ Chi gắn bó với hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường được đầu tư mới, mở rộng từ sau khi người dân hiến đất làm đường. Nhờ vậy, các phương tiện giao thông đã đến tận vùng sâu phục vụ cho sản xuất, giao thương. Đặc biệt, tuyến đê bao kết hợp giao thông trên bờ hữu sông Sài Gòn có thể dẫn nước ngọt cung cấp cho khu vực ven sông. Với ưu thế đó, nhiều loại trái cây cho thu hoạch quanh năm, hoặc sử dụng các biện pháp cho trái nghịch mùa, tạo điều kiện kết hợp với du lịch thu hút khách tham quan, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, UBND huyện đã phối hợp Khu Nông nghiệp công nghệ cao TPHCM thực hiện chuyển giao nhiều mô hình, quy trình nông nghiệp công nghệ cao cho nông dân, như mô hình sản xuất dưa lưới trong nhà màng, trồng ớt ngọt, cà chua bi, rau ăn lá, rau gia vị…
Gỡ bài toán cho hợp tác xã
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tình trạng ô nhiễm môi trường, thị trường nông sản thiếu ổn định dẫn đến sự phát triển chưa bền vững. Nhiều hợp tác xã (HTX) khó phát triển do sản xuất nhỏ, phân tán. Nhận thấy tình hình này, UBND huyện đã rà soát và sắp xếp lại hoạt động chăn nuôi bò sữa, heo theo hướng tăng quy mô đàn, giảm số hộ, nâng chất lượng đàn, chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường. Tận dụng khai thác triệt để đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư, không để đất hoang hóa.
Thành tựu nổi bật là HTX Tân Thông Hội, từ một đơn vị thu mua, tiêu thụ sữa cho nông dân trên địa bàn huyện, nay tiến lên đầu tư nhà máy chế biến sữa với kinh phí khoảng 60 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn vay Nhà nước là 25 tỷ đồng. Hiện HTX đã cho ra các sản phẩm sữa thanh trùng có đường và không đường, sữa chua ăn và uống, sữa tiệt trùng và các bánh, kẹo… mang thương hiệu Củ Chi. Đồng thời đang chuẩn bị xây dựng dự án nâng cấp, sửa chữa các trạm thu mua sữa. HTX đã có nhiều đơn hàng từ 7 tỉnh, trong đó phần lớn sẽ cung cấp vào trường học. Nhờ có nhà máy nên tiêu thụ sữa cho nông dân nhiều hơn và giá cả ổn định. Trung bình mỗi ngày thu mua 25 – 30 tấn sữa.
Tại xã Phú Hòa Đông, HTX Làng nghề bánh tráng giải quyết việc làm cho hơn 5.000 lao động tại địa phương; mỗi ngày sản xuất ra 40 tấn bánh thành phẩm, xuất khẩu khoảng 2/3, số còn lại tiêu thụ trong nước. HTX Hoa lan Huyền Thoại có tổng diện tích hơn 22ha, mỗi thành viên thu nhập bình quân 10 – 20 triệu đồng/tháng, sau khi trừ toàn bộ chi phí. Hiện HTX Hoa lan Huyền Thoại đang có dự án đầu tư phòng thí nghiệm để sản xuất phôi giống cung cấp thị trường TPHCM, nhằm giảm chi phí nhập khẩu từ các nước.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Củ Chi, vẫn còn một số tồn tại trong hoạt động nông nghiệp. Nhà máy chế biến sữa của HTX Tân Thông Hội dù phải mất hơn 1 năm rà soát diện tích đất để xây dựng nhưng vị trí vẫn không phù hợp, hiện nằm trong Khu công nghiệp Cơ khí ô tô. Nếu nhà máy đặt ở xã có nuôi nhiều bò sữa thì phù hợp nhất do dễ vận chuyển, giảm giá thành, nâng cao chất lượng, nhưng kiếm đất mãi vẫn không có… Việc sản xuất bánh tráng của HTX Phú Hòa Đông vẫn dùng lò thủ công nhiều hơn so với lò tráng máy. Ngoài ra, sản lượng rau an toàn của HTX ngày càng tăng nhưng đầu ra chưa phát triển tương ứng do vẫn chưa vào được kênh siêu thị.
Một khó khăn khác, các HTX vẫn chưa đầu tư hoàn chỉnh, mới chỉ tập trung vào khâu sản xuất, chưa chú trọng đến khâu chế biến, đóng gói. Nguyên nhân do không có đất để xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, nếu đi thuê mặt bằng thì giá cao. Muốn thuê rẻ chỉ có đất nông nghiệp, nhưng lại vướng thủ tục cấp phép xây dựng.
Theo UBND huyện Củ Chi, để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, các đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chức năng cần điều chỉnh phù hợp với hiện trạng. Tăng cường nắm bắt thông tin thị trường để làm tốt công tác dự báo cung – cầu, giúp nông dân tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, tăng cường mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp tiêu thụ. Đồng thời, đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất…
Báo SGGP _ THANH HẢI, ngày 13/11/2017