Là địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp dần, nhiều nông dân tại TPHCM đã chuyển sang làm thương mại, dịch vụ và nuôi trồng những cây, con phù hợp với điều kiện ở thành phố, trong đó có cá cảnh.
Cá đĩa là vật nuôi có giá trị kinh tế cao
Một trong những người thành công với nghề nuôi cá cảnh là anh Nguyễn Văn Nam, ở khu phố 7, phường Thạnh Xuân, quận 12, loại cá anh Nam đầu tư là cá đĩa và đây được xem là loại cá đẹp, được nhiều người ưa chuộng.
Gia đình anh Nam vốn chỉ làm nông nghiệp truyền thống, có thể nói anh đến với con cá đĩa như một sự tình cờ. Anh Nam kể: “Ban đầu, tôi nuôi khoảng 30 – 50 con cá đĩa chỉ để giải trí chứ không mang tính chất làm kinh tế. Khi ấy, tôi được một người bạn ở quận Gò Vấp chỉ dẫn kỹ thuật chăm sóc và lai tạo màu cá. Càng nuôi càng thích nên tôi chủ động tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi cá đĩa do Trạm Khuyến nông quận 12 tổ chức. Khi tốc độ đô thị hóa của thành phố ngày càng tăng, đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, tôi quyết định chuyển sang nghề nuôi cá cảnh vì thấy mình đã tích lũy được nhiều kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm nuôi cá đĩa. Tôi mạnh dạn nâng tổng đàn cá của gia đình lên theo chiều hướng phát triển kinh tế. Vợ tôi cũng tham gia chăm sóc đàn cá”.
Theo anh Nam, TPHCM là nơi có khí hậu ấm áp, nguồn thức ăn cho cá đĩa tươi sống, dồi dào, đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá cảnh, đặc biệt là cá đĩa.
Chính những thuận lợi đó đã giúp vợ chồng anh Nam từng bước thành công. Cá của anh Nam không những được thương lái mua cung cấp cho thị trường thành phố mà còn được xuất đi nước ngoài. Hiện nay, tổng đàn cá của gia đình anh có khoảng 4.000 – 5.000 con với nhiều kích cỡ khác nhau, khoảng 2 ngày anh xuất một 1 hồ (từ 70 – 80 con, loại trung bình 7 – 8cm/con).
Bình quân gia đình anh có thu nhập trên 50 triệu đồng/tháng và lãi khoảng 15 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí. Không dừng lại ở quy mô trên, hiện anh đang sản xuất thêm cá giống để phát triển đàn cá, nhằm nâng cao thu nhập.
Đã gần 10 năm gắn bó với nghề nên khi được hỏi về kỹ thuật nuôi cá đĩa, anh Nam mạnh dạn chia sẻ: Để thành công, đòi hỏi người nuôi phải có sự cẩn thận và chu đáo.
Trước nhất, phải chú ý đến nguồn nước, bởi đây là khâu quan trọng, quyết định sự sống còn của cá, nên phải có lịch theo dõi hàng ngày, tránh sự thay đổi nhiệt độ nguồn nước do thời tiết.
Thứ hai, thức ăn cũng là điểm quan trọng, cần có lượng cung ứng vừa đủ để nước trong hồ ít bị nhiễm khuẩn, nhằm hạn chế các bệnh nấm ngoài da, bệnh đường ruột cho cá, từ đó giảm tỷ lệ cá bột bị hao hụt và giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế. Thức ăn chủ yếu của loài cá này là tim bò, trùn chỉ xay và trộn với thuốc bổ.
Để có được những chú cá đĩa đẹp, bắt mắt, ngoài những vấn đề trên thì còn phụ thuộc vào việc chọn giống, phối giống, lai tạo màu và phải luôn trau dồi, nâng cao kỹ thuật nuôi. Như vậy mới có thể tạo ra những giống cá đẹp, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Có thể nói, anh Nguyễn Văn Nam đến với cá đĩa từ điểm xuất phát ban đầu chỉ là nuôi để giải trí, nhưng qua thời gian anh dần “bén duyên” với cá đĩa, để từng bước gầy dựng cơ ngơi, gặt hái thành công và có cuộc sống ổn định từ chính đôi tay lao động của mình.
Báo SGGP _ MINH HIẾU, ngày 3/11/2017