Với kinh nghiệm gần 10 năm trong nghề trồng lan, chàng thanh niên “8X” Nguyễn Minh Nhật (32 tuổi, ngụ tại xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TPHCM) rất nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật chăm sóc và trồng các loại hoa lan mà anh đã thực hiện.
Vườn lan Hồ Điệp của anh Nhật
Anh Nhật nói: “Lan là cây trồng dễ chăm sóc nếu chúng ta đảm bảo được các điều kiện thuận lợi cho lan phát triển. Các yếu tố quan trọng nhất đối với lan là ánh sáng, nước tưới, độ ẩm, chậu hay giá thể và dinh dưỡng. Không những vậy, với mỗi môi trường sinh sống cụ thể sẽ hình thành những cây hoa lan khác biệt nhau. Chính vì thế, người trồng lan phải nắm rõ môi trường sống của hoa, xem môi trường ấy có phù hợp với loại lan mình trồng hay không”.
Những kinh nghiệm đó, anh Nhật phải đúc kết trong quãng thời gian gần 10 năm “quyết sống” cùng lan mới có được. Anh kể, ban đầu anh chọn Denrobium để trồng, sau đó anh “lấn sang” Mokara, rồi tiếp tục đầu tư về Hồ Điệp – loại lan có cánh hoa to, đẹp, nhiều màu sắc và đặc biệt là lâu tàn. Anh Nhật cho biết, Hồ Điệp là loại lan có khoảng 44 loài nguyên giống (giống nguyên thủy chưa lai tạo), phân bố rộng rãi từ dãy Hymalaya đến suốt châu Á và sang cả châu Úc, cây ưa bóng râm, có khả năng thích ứng rộng.
Cây phát triển trong tự nhiên ở nhiệt độ ngày là 28°C – 35°C, đêm là 20°C – 24°C và độ ẩm tương đối cao. Những cây nguyên giống thường nở hoa vào mùa đông xuân, các cây lai thì hoa nở quanh năm. Bởi những đặc tính riêng đó nên khi đầu tư lan Hồ Điệp, cần phải có nhà lạnh tạo độ ẩm để cây phát triển tốt.
Chính sự đam mê, cần mẫn và tỉ mỉ với nghề đã giúp anh Nhật có được những thành công, hiện anh đầu tư khoảng 500 cây Denrobium, 2.000m² Mokara và 500 cây Hồ Điệp.
Với Hồ Điệp, anh Nhật bán giá trung bình từ 80.000 – 100.000 đồng/cây, nhưng anh đầu tư chủ yếu cho dịp tết, vì thời điểm này Hồ Điệp rất được ưa chuộng và có giá; còn 2 loại Denrobium và Mokara, mỗi tuần trung bình anh xuất bán khoảng 200 cành (Denrobium có giá từ 2.000 – 2.500 đồng/cành và Mokara có giá từ 5.000 – 7.000 đồng/cành), sau khi trừ chi phí, hàng tháng anh thu được khoảng 10 – 12 triệu đồng.
Chia sẻ về những thành công của ngày hôm nay, anh Nhật cho biết ngoài lòng đam mê, yêu nghề, thì còn nhờ có sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật khuyến nông địa phương. Năm 2016, anh Nhật được chọn là hộ thực hiện mô hình trồng lan Mokara cắt cành do Trung tâm Khuyến nông TPHCM đầu tư về cây giống.
“Để tiếp tục phát huy những thành quả đó, trong thời gian tới, tôi tiếp tục tìm hiểu về kỹ thuật trồng các loại lan, để đầu tư vườn lan của mình được phát triển ngày càng đa dạng và phong phú hơn, góp phần nâng cao kinh tế cho gia đình”, anh Nguyễn Minh Nhật khẳng định.
Báo SGGP _ HIẾU MINH, ngày 23/8/2017