Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, lộ trình đến năm 2020 thì sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản.
Chiều nay 2-8 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT đã tổ chức một hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh, phòng chống hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO).
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám, hiện nay tình trạng kháng kháng sinh đang là vấn đề mới và nhức nhối, đe dọa hàng sức khỏe trăm ngàn người khi cơ thể có hiện tượng vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh.
Trong khi đó, các loại kháng sinh không chỉ được lạm dụng trong chữa bệnh mà còn sử dụng rất rộng rãi trong chăn nuôi và thủy sản, sản xuất thực phẩm. Tồn dư kháng sinh từ thực phẩm vào cơ thể người là vấn đề đáng lo ngại.
Vì vậy, để thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh, phòng chống hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, từ đầu năm 2018, Việt Nam sẽ dừng sử dụng các loại kháng sinh trong sản xuất thực phẩm (chăn nuôi và thủy sản), chỉ cho phép sử dụng trong sản xuất con giống. Tuy nhiên lộ trình đến năm 2020 thì sẽ dừng hẳn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản. Để phù hợp với chính sách này, sắp tới Bộ NN-PTNT sẽ đề nghị sửa đổi, ban hành một số luật như Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm…
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đề nghị để triển khai hiệu quả kế hoạch này, cần phải có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan gồm Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ TN-MT và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng như kêu gọi hỗ trợ, hợp tác quốc tế, sự tham gia của các viện nghiên cứu… nhằm giảm sử dụng kháng sinh và ngăn ngừa các mối đe dọa từ kháng kháng sinh.
Kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát chất kháng sinh có 5 mục tiêu.
Thứ nhất là rà soát, sửa đổi và thi hành các quy định và chính sách liên quan tới kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản.
Thứ hai là nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và nguy cơ hình thành kháng khánh sinh.
Thứ ba là thực hiện tốt việc khám, chữa bệnh, sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản.
Thứ tư là giám sát việc sử dụng kháng sinh, kháng sinh tồn dư và kháng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản.
Cuối cùng là tạo điều kiện cho các hoạt động hợp tác liên ngành về quản lý kháng kháng sinh.
Báo SGGP _ VĂN PHÚC, ngày 2/8/2017