Các mô hình canh tác rau theo quy trình VietGAP tại TPHCM nói chung và các hợp tác xã nói riêng đã tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Chị Nguyễn Thị Huê tham quan học tập mô hình nông nghiệp hiệu quả
tại Đồng Nai
Trên địa bàn TPHCM, hiện có 91 xã, phường sản xuất rau với gần 3.500ha. Trong đó, diện tích rau đạt chứng nhận VietGAP đạt 1.233ha, sản lượng ước tính 27.600 tấn/năm, đã hình thành một số vùng chuyên canh tập trung tại các xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Quy Đức (huyện Bình Chánh); xã Xuân Thới Thượng, Xuân Thới Sơn, Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn). Các mô hình canh tác rau theo quy trình VietGAP tại TPHCM nói chung và các hợp tác xã nói riêng đã tạo ra nhiều sản phẩm an toàn, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho nông hộ.
Một trong những người nông dân thành công trong mô hình sản xuất rau theo quy trình VietGAP là chị Nguyễn Thị Huê (ngụ số 14/20 ấp 4, xã Tân Quý Tây, Bình Chánh). Chị Huê cho biết: “Trước đây tôi cũng trồng rau ăn lá nhưng bán ngoài cho thương lái, giá cả không ổn định, đời sống kinh tế cũng bấp bênh. Khi được tham dự những chuyến tham quan nhiều nơi do cơ quan khuyến nông tổ chức, tôi thấy những hộ sản xuất rau làm vệ tinh cho các hợp tác xã được ổn định về giá thu mua, nhờ đó thu nhập gia đình cũng thoát khỏi tình trạng bấp bênh. Do vậy, khi Hợp tác xã (HTX) Phước An thành lập trên địa bàn huyện Bình Chánh, tôi xin tham gia ngay. Đến nay, gia đình sản xuất rau an toàn cho HTX Phước An cũng đã hơn 10 năm. Với diện tích gần 1.500m², tôi dành 500m2 làm nhà lưới, có hệ thống phun sương để trồng các loại rau cải; phần đất còn lại thì trồng các loại rau muống, dền, mồng tơi. Mỗi năm tôi trồng được khoảng 8 vụ, trung bình mỗi vụ lợi nhuận đạt khoảng 15 triệu đồng/1.500m².
Khi được hỏi về những thuận lợi và khó khăn trong việc trồng rau bán cho HTX, chị Huê vui vẻ chia sẻ: “Sản xuất cho HTX rất có lợi vì từng năm, từng mùa vụ, nông dân đều đăng ký về đối tượng trồng, thời gian, sản lượng cung cấp cho HTX và làm đúng theo kế hoạch. Nhờ đó có thể tránh được tình trạng sản xuất thiếu hàng hoặc sản lượng cao hơn nhu cầu tiêu thụ”. Ngoài ra, để có thêm thu nhập, chị Huê còn nấu rượu bán cho các mối quen và dùng hèm nuôi gà, vịt, cá để cải thiện bữa ăn cho cả nhà. Chị có 4 người con (3 trai, 1 gái), người nào cũng đã có gia đình riêng và đều sản xuất rau an toàn cho HTX Phước An.
Chị Huê nói: “Tôi rất vui vì gia đình các con có cuộc sống kinh tế ổn định và hạnh phúc. Mấy năm nay, gia đình chúng tôi đều đạt gia đình văn hóa và danh hiệu nông dân sản xuất giỏi tại địa phương. Với sự cố gắng lao động và đạt nhiều thành tích trong sản xuất nông nghiệp, tôi được các ban ngành địa phương, Trung tâm Khuyến nông TPHCM cho đi tham quan các mô hình nông nghiệp hiệu quả cao ở các tỉnh. Qua đó, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm từ trồng rau, hoa lan, dưa lưới công nghệ cao của các trang trại và nông hộ, để về áp dụng trên mảnh đất của mình nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tăng thu nhập cho gia đình hơn nữa.
Báo SGGP _ VÂN TÂM, ngày 16/8/2017