Quyết liệt ngăn chặn kháng kháng sinh

Các tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật, thủy sản cũng là thủ phạm gây nên tình trạng kháng kháng sinh ở người, để lại những hậu quả khó lường và ngày càng có xu hướng lan rộng. 

Trước con số hơn 700.000 người chết mỗi năm do tình trạng kháng kháng sinh, chiều 2-8 tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT và Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng kháng sinh, phòng chống hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

Bệnh vào người từ thực phẩm

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y, hiện nay không chỉ xảy ra tình trạng lạm dụng cũng như bị kháng kháng sinh ở người mà trong môi trường chăn nuôi và thủy sản, tình trạng này cũng rất nóng bỏng.

Tệ hơn, các tồn dư kháng sinh trong các sản phẩm động vật, thủy sản cũng là thủ phạm gây nên tình trạng kháng kháng sinh ở người, để lại những hậu quả khó lường và ngày càng có xu hướng lan rộng.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, từ nhiều năm nay chúng ta vẫn đang cho phép sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản, nhằm kích thích sinh trưởng và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng rộng rãi kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam chính là nguyên nhân làm gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc.

Nóng bỏng nhất hiện nay là tình trạng bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi một cách bừa bãi, chưa được quản lý chặt. Có 3 loại kháng sinh đang lưu hành trên thị trường gồm: kháng sinh chỉ dành riêng cho người, kháng sinh chỉ dành cho động vật và kháng sinh dành cho cả người lẫn động vật… “Chúng ta đã ngăn chặn được vấn nạn sử dụng chất cấm, nhưng hiện nay phải tiến tới việc kiểm soát việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi và thủy sản”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề nghị.

 

Trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi một cách bừa bãi ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng

Theo ông Jong Ha Bea, Trưởng đại diện của FAO tại Việt Nam, kháng sinh là công cụ hữu hiệu để kiểm soát các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiệu quả của thuốc kháng sinh đã bị cản trở bởi các cơ chế kháng thuốc giữa các chủng vi khuẩn có nguồn gốc từ người, động vật, thực phẩm và môi trường.

Việc nhiễm khuẩn kháng thuốc có thể khiến việc điều trị bệnh thất bại, bệnh trở nên nặng hơn, thậm chí có thể tử vong. Không chỉ đe dọa sức khỏe người dân Việt Nam, kháng kháng sinh còn ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp, thực phẩm và môi trường.

Người chăn nuôi, bác sĩ thú y và người bán thuốc cần chia sẻ trách nhiệm bằng cách sử dụng kháng sinh có trách nhiệm hơn, tìm ra các giải pháp thay thế để duy trì sức khỏe và năng suất chăn nuôi bằng các biện pháp an toàn sinh học.

Từ năm 2018 cấm dùng kháng sinh

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho biết, Việt Nam đang hướng tới đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hiện đại và xuất khẩu thịt ra các nước. Vì vậy, vấn đề kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi càng khẩn thiết.

Bộ NN-PTNT đã đề xuất triển khai kế hoạch hành động quốc gia về quản lý và sử dụng các loại kháng sinh, phòng chống hiện tượng kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam.

Để triển khai hiệu quả kế hoạch này, cần phải có sự vào cuộc tích cực của các Bộ NN-PTNT, Y tế, Công thương, TN-MT và UBND các tỉnh, thành phố, cũng như kêu gọi hỗ trợ, hợp tác quốc tế, sự tham gia của các viện nghiên cứu… nhằm giảm sử dụng kháng sinh và ngăn ngừa các mối đe dọa từ kháng kháng sinh.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định, từ đầu năm 2018 sẽ dừng sử dụng các kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi và thủy sản, từ năm 2020 sẽ cấm hẳn; chỉ cho phép sử dụng trong phòng và trị bệnh cho con giống.

Hiện nay, có những loại kháng sinh do Bộ NN-PTNT cấp phép nhập khẩu và sản xuất, có loại kháng sinh do Bộ Y tế quản lý. Vì vậy, để việc quản lý kháng sinh một cách chặt chẽ, đòi hỏi 2 bộ cùng vào cuộc.

Sắp tới, Bộ NN-PTNT cũng sẽ đề nghị sửa đổi, ban hành một loạt nội dung mới trong Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật An toàn thực phẩm…

Ông Nguyễn Xuân Dương cho biết thêm, quy định không cấm hẳn các loại kháng sinh trong chăn nuôi mà chỉ cấm những loại gây nguy hại cho sức khỏe. Còn với các loại kháng sinh sinh học, được chiết xuất từ thiên nhiên, an toàn thì vẫn cho phép sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản nhưng phải được các bác sĩ thú y có chứng chỉ thực hiện kê toa. Bộ NN-PTNT sẽ lên danh sách các loại kháng sinh cần đưa vào danh mục cấm. 

Báo SGGP _ VĂN PHÚC, ngày 3/8/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *