Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã xuất hiện nhiều gương điển hình về sự năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng bằng đôi tay, khối óc của mình…
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương
Trong số đó có gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dương (ảnh) và anh Lê Minh Dũng (ở ấp Xóm mới, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), một trường hợp phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt – chủ yếu là nuôi bò, trồng cỏ voi, trồng hoa kiểng và trồng lan…
Trong chuyến công tác tại Củ Chi, tôi đã tìm đến nhà anh chị. Tận mắt chứng kiến mô hình phát triển kinh tế của chị Dương, tôi thấy được sự năng động, sáng tạo và không kém phần nhạy bén của người phụ nữ chân chất này.
Chị Dương kể, trước đây gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng lợi nhuận không cao, nên chuyển sang nuôi bò sữa. Ban đầu chỉ nuôi từ 8 – 10 con, khi nhận thấy thu nhập từ nguồn chăn nuôi này không nhỏ, chị đã tiếp tục đầu tư nâng số lượng lên cả chục con. Đến nay, đàn bò của gia đình chị có 25 con, trong đó có 10 con vắt sữa, mỗi ngày thu được 80 – 90kg sữa. Chị chia sẻ, mấy năm trước giá sữa cao, người chăn nuôi luôn có lợi nhuận, nhưng trong 2 năm trở lại đây, giá sữa xuống thấp, thu nhập của người dân cũng bị giảm theo.
Trước thực tế đó, để có thể duy trì đàn bò, điều đầu tiên chị nghĩ là phải tìm giải pháp nhằm giảm chi phí trong việc mua thức ăn cho bò, có như vậy mới giữ được nguồn thu cho gia đình. Qua nhiều đêm trăn trở, chị bàn với chồng sử dụng 5.000m2 đất trống của gia đình để trồng cỏ voi, nhằm có lượng thức ăn cho đàn bò của gia đình, số cỏ còn dư thì bán cho các hộ chăn nuôi trong xã, cũng là cách để tăng thu nhập. Đặc biệt, khi được cơ quan khuyến nông địa phương tập huấn về chương trình cơ giới hóa trong chăn nuôi có nhiều lợi ích, chị đã mạnh dạn đầu tư các thiết bị như máy phun sương, máy thái cỏ, máy vắt sữa… để nâng cao năng suất, tiết kiệm nhân công lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và nâng cao hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Không chỉ nuôi bò, chị còn trồng cây kiểng, đặc biệt là trồng lan. Hiện trong vườn nhà chị có khoảng 100 chậu lan Denrobium, dù trồng ít nhưng đây cũng là nguồn thu nhập không nhỏ – chị chia sẻ thêm. Chưa hết, là một người nhạy bén, mạnh dạn với cách làm mới nên ngoài việc chăn nuôi và trồng trọt, chị Dương còn tận dụng mặt bằng phía trước nhà để cho thuê. Hiện nơi đây là điểm tập kết thu mua mủ cao su cho bà con xung quanh xã.
Tất cả những điều đó đã góp thành một mô hình kinh tế tổng hợp mà chị Dương đang phát triển ổn định, có thu nhập gần 200 triệu đồng/năm. Thực tế cho thấy, mô hình phát triển kinh tế của gia đình chị là hướng đi hiệu quả, thiết thực, để các hộ nông dân có thể học hỏi và thực hiện theo cách riêng của mình để tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Báo SGGP _ MINH HIẾU, ngày 11/8/2017