Khấm khá nhờ nông nghiệp công nghệ cao

Nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giúp làm tăng chất lượng, năng suất qua đó nâng cao giá trị sản phẩm làm ra trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất. Đó là cách gia tăng nguồn thu nhập của người nông dân các huyện ngoại thành của TPHCM.  

Đa dạng các loại mô hình

Hoạt động sản xuất nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao tại các huyện ngoại thành của TPHCM ngày càng xuất hiện nhiều mô hình, tạo ra sản phẩm mang giá trị cao về chất lượng, qua đó tăng thu nhập cho nông dân. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp không ngừng được nâng lên và vào nhóm dẫn đầu cả nước với bình quân 410 triệu đồng/ha/năm 2016.

Năm 2015, sau khi học kỹ thuật trồng dưa lưới công nghệ cao, anh Nguyễn Lê Cẩm Tú (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) đã đầu tư hệ thống nhà màng với diện tích 8.000m2, thu hoạch 3 vụ/năm. Chi phí đầu tư khoảng 400 triệu đồng/1.000m2, bao gồm: nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, bạt phủ, giá thể, dây leo…; sản lượng đạt khoảng 3 tấn/1.000m2/vụ.

Dưa lưới đang là mặt hàng hot trên thị trường, nhưng anh Tú cho biết do trồng quy mô nhỏ nên chỉ đủ cung cấp trong nội địa. Hiện nay, chất lượng dưa lưới Việt Nam đủ chuẩn xuất khẩu, nhưng trở ngại lớn nhất là do chỉ sản xuất nhỏ lẻ nên không đủ sản lượng cung cấp cho đơn hàng.

Trồng dưa lưới bằng công nghệ cao mang lại hiệu quả kinh tế

 

Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (cũng ở huyện Hóc Môn) thì trồng rau mầm áp dụng công nghệ cao, sản phẩm đạt chất lượng và an toàn thực phẩm. Vườn rau mầm trồng trên giá thể và áp dụng kỹ thuật tưới phun sương, khâu trị bệnh, xử lý vi sinh được chú trọng.

Tương tự, ông Trần Phúc Hậu (ở huyện Bình Chánh) cũng trồng rau thủy canh áp dụng công nghệ sản xuất của Úc, sử dụng máy làm lạnh hệ thống dinh dưỡng và kiểm soát bằng máy tính, đảm bảo cung cấp vừa đủ chất dinh dưỡng cho cây.

Đây là những dòng sản phẩm khá cao cấp, kén chọn khách, giá thành cao nên phân khúc thị trường khá hẹp, chỉ những khách sạn hay cửa hàng cao cấp mới sử dụng. Những mô hình sản xuất này đang mang lại cho nông dân mức lợi nhuận tốt.

Ở Cần Giờ có mô hình nuôi tôm hữu cơ của ông Nguyễn Mạnh Hùng tại xã An Thới Đông với diện tích sản xuất 5ha (trong đó, diện tích nuôi 2,3ha), thời gian nuôi 3 tháng. Sản lượng bình quân đạt 15 tấn/năm.

So với nuôi công nghiệp thông thường, sản phẩm của mô hình này có giá thành thấp hơn 20%, không sử dụng hóa chất, kháng sinh nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tỷ lệ thành công cao.

Cũng tại huyện Cần Giờ, ông Phạm Văn Chánh (xã Long Hòa) có trang trại 1ha trồng 200 gốc xoài, sử dụng kỹ thuật tưới nhỏ giọt và áp dụng quy trình VietGAP, nhờ vậy sản lượng đạt 10 tấn/ha/năm – cao hơn 3 tấn/ha so với quy trình bình thường.

Thấp thỏm nguồn nước sạch

Các mô hình trên hiện vẫn đang ăn nên làm ra, nhưng những người – tạm gọi là đầu tàu này – vẫn không khỏi thấp thỏm trước áp lực về đô thị hóa và ô nhiễm môi trường.

Nhiều nông dân huyện Bình Chánh luôn lo lắng về nguồn nước từ sông Chợ Đệm thường xuyên bị ô nhiễm do các nhà máy xả ra.

Theo UBND huyện Bình Chánh, sông Chợ Đệm nằm cuối nguồn và liên thông với nhiều kênh, rạch nên có thể bị nguồn nước ô nhiễm từ các quận, huyện khác chảy về.

Để ứng phó, nhiều nông dân phải dành diện tích đất làm hồ để trữ nước riêng và xử lý trước khi đưa vào sản xuất, làm tăng thêm chi phí và giảm diện tích sản xuất.

Còn tại địa bàn huyện Hóc Môn, việc nhiều khối nhà mọc lên nhưng kết cấu hạ tầng không theo kịp, chưa có hệ thống tiêu thoát đã khiến nước chảy vào đất đang trồng trọt sau mỗi cơn mưa.

Nhiều người có khả năng muốn mở rộng quy mô sản suất nhưng quỹ đất tại chỗ bị hạn hẹp phải thuê nơi khác, nhưng giá thuê đất quá cao so với lợi nhuận từ sản xuất nông nghiệp.

Trong khi đó, Ban giám đốc Hợp tác xã Hiệp Thành (huyện Nhà Bè) cho biết, dù áp dụng đúng các quy trình nhưng con tôm nuôi ở đây vẫn không thể được công nhận VietGAP do nằm trong vùng quy hoạch, nên các xã viên không dám mở rộng sản xuất.

Theo ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, dù con tôm đạt hiệu quả cao nhưng chỉ bán trôi nổi, không thể vào siêu thị, nhà hàng do không đạt chuẩn VietGAP. Khi nào chủ đầu tư Khu đô thị cảng Hiệp Phước xác nhận về thời gian triển khai, lúc đó tiêu chuẩn về sự ổn định trong sản xuất mới hợp thức hóa và con tôm mới được công nhận VietGAP.

Vừa qua, UBND huyện đã kiến nghị UBND TPHCM, chủ đầu tư xác định thời gian thực hiện quy hoạch để giúp việc phát triển sản xuất trên vùng quy hoạch.

Trồng xoài công nghệ cao và nuôi tôm hữu cơ hiện nay đang phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp đô thị nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm, đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Huyện Cần Giờ có 5 hộ nuôi tôm hữu cơ trên diện tích 9,5ha và 23 hộ trồng xoài VietGAP với 13,8ha. Theo ông Nguyễn Tiến Triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, huyện đang điều chỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp cho nông dân ổn định sản xuất.

 

Từ khi ông Nguyễn Tấn Phong (ở xã Tân Nhựt huyện Bình Chánh) mạnh dạn đầu tư chuyển từ nuôi cá thịt sang cá cảnh, đặc biệt là cá Koi, thì thu nhập tăng lên.

Tại vựa cá của ông, sản lượng tiêu thụ bình quân 500 – 600kg/tháng, giá bán 120.000 – 250.000 đồng/kg, lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí là vài chục triệu đồng/tháng. 

Báo SGGP _ THANH HẢI, ngày 31/7/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *