Ở TPHCM, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa sang cây trồng khác đã nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giúp nông dân tăng thu nhập, làm giàu trên mảnh đất của mình một cách bền vững.
Chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa kiểng.
Nắm bắt điều đó, anh Phùng Minh Đức (39 tuổi, ngụ tại số 251/43 đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức) mạnh dạn chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa kiểng.
Anh Đức kể, trước đây gia đình chủ yếu trồng lúa nước và hoa màu, thu nhập bấp bênh, kinh tế không ổn định. Năm 2013, anh Đức tham gia các lớp tập huấn về áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất (do Trạm Khuyến nông quận 9 – Thủ Đức và Hội Nông dân phường tổ chức); tham quan thực tế, học tập kinh nghiệm các mô hình có hiệu quả về trồng lan, hoa kiểng của nhiều nông dân ở địa phương và các huyện bạn. Sau những chuyến tham quan học tập đó, anh Đức bàn với gia đình, quyết định chuyển đổi 1.000m² đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng lan và cây kiểng.
Ban đầu, anh Đức “lấy ngắn nuôi dài”, trồng xen canh 1.000m² hoa kiểng, lan với các loại hoa màu mà lâu nay gia đình đã canh tác. Tuy có sự chỉ dẫn tận tình của cán bộ khuyến nông, nhưng do anh chưa nắm rõ quy trình kỹ thuật trong trồng lan và hoa kiểng nên gặp nhiều rủi ro về chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ. Dần dần, anh rút ra cho mình nhiều bài học kinh nghiệm và đến nay, gia đình anh đã đạt được hiệu quả kinh tế cao từ mô hình trồng hoa kiểng, bon sai, mai, lan… Tính trên 1ha diện tích, anh có thể thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm. Từ năm 2013 đến nay, gia đình anh luôn được Hội Nông dân các cấp công nhận đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Mô hình trồng hoa kiểng của gia đình anh Đức được xem là mô hình điểm của địa phương, Hội Nông dân và Trạm Khuyến nông thường tổ chức sinh hoạt, tập huấn để bà con nông dân học tập và làm theo, nhằm ổn định kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp địa phương, giúp nhau thoát nghèo và làm giàu chính đáng
Báo SGGP _ MINH HIẾU, ngày 7/7/2017