Việc xây dựng nông thôn mới (NTM) 5 huyện vùng ven của TPHCM xuất hiện những nét đặc trưng ít thấy ở khu vực khác, đó là áp lực đô thị hóa và công nghiệp hóa trên vùng đất nông nghiệp…
Khó sản xuất nông nghiệp vì quy hoạch
Nếu như huyện Bình Chánh chịu nhiều áp lực từ việc gia tăng dân số cơ học rất lớn, có xã hơn 100.000 dân như Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, dẫn đến quá tải về quản lý, trường học, môi trường… thì Nhà Bè là huyện chịu nhiều áp lực từ việc đô thị hóa và công nghiệp hóa.
Ông Thái Quốc Dân, Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM TPHCM, cho biết khi bước vào giai đoạn 2 xây dựng NTM, huyện Nhà Bè bị vướng vấn đề quy hoạch. Xã Hiệp Phước quy hoạch là khu đô thị cảng, nên dự án nuôi tôm nước lợ ở đây không được xét duyệt vay vốn ưu đãi cũng như xét duyệt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm VietGAP.
Đường Liên Ấp 2 được bê tông hóa khang trang. Ảnh: THANH HẢI
Làm việc với đoàn giám sát của TP về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2 từ 2016-2020, ông Nguyễn Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, cho biết địa phương là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều vấn đề của đô thị phát sinh đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chương trình NTM.
Mặc dù hiện nay vẫn còn 5.000ha đất sản xuất nông nghiệp (50% diện tích tự nhiên), nhưng theo quy hoạch, diện tích đất nông nghiệp chỉ còn 280ha. Vì không rõ đến khi nào mới triển khai quy hoạch nên những chủ trương của TP về đầu tư sản xuất nông nghiệp không thể áp dụng các chính sách ưu đãi và hỗ trợ, làm cho người dân vùng quy hoạch e ngại khi đầu tư dài hạn. Có thể nói, đây cũng là lý do chưa có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo tính bền vững.
Tại buổi sơ kết xây dựng NTM huyện Nhà Bè mới đây, ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh văn Phòng Điều phối NTM TPHCM, cho rằng cùng với Bình Chánh và Hóc Môn, Nhà Bè là huyện có tiến trình đô thị hóa rất nhanh. Mặc dù có ý kiến đế xuất chuyển những huyện đô thị hóa mạnh sang mô hình quản lý quận thay vì huyện nhưng thời điểm này, các huyện trên chưa đủ điều kiện để chuyển lên quận như kết luận của TP.
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng và nâng chất NTM giai đoạn 2016-2020 vẫn còn nguyên giá trị. Trong đó, nâng cao thu nhập, đời sống tinh thần và đảm bảo môi trường an toàn (cả về môi trường tự nhiên, sinh thái và môi trường xã hội) là yêu cầu đòi hỏi sự quyết tâm trong việc tiếp tục đầu tư đầy đủ và đồng bộ.
Thách thức của huyện đô thị hóa như Nhà Bè là việc tổ chức sản xuất, trong đó có tổ chức sản xuất phi nông nghiệp, do lấn cấn việc quy hoạch đất không còn là sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó trong việc thụ hưởng các chính sách ưu đãi như 4 huyện còn lại, dẫn đến nhiều hạn chế khác trong việc hỗ trợ sản xuất VietGAP, kết nối doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm…
Tạo điều kiện để nông dân sản xuất
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách TPHCM, tiêu chuẩn NTM của TP giai đoạn 2016-2020 có những yêu cầu cao, như thu nhập bình quân đầu người đạt từ 63 triệu đồng/người/năm, giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp đạt 800 triệu đồng/năm, kèm theo đó là giảm nghèo bền vững và đa chiều. Vì vậy, cần giải quyết những vướng mắc trong quy hoạch hiện nay để tạo điều kiện cho bà con mạnh dạn phát triển sản xuất.
Bên cạnh việc phát huy các cơ sở hạ tầng đã xây dựng trong giai đoạn trước, huyện Nhà Bè đã tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi để người dân an tâm sản xuất. Như tuyến đường Liên Ấp 2 (xã Hiệp Phước), từ đầu đường Nguyễn Văn Tạo đến cuối đường dài hơn 6km, được huyện đầu tư xây dựng đường bê tông khang trang cho đến tận nhà cuối cùng, dù các nhà ở cách xa nhau, hai bên đường chủ yếu là những vuông tôm.
Được biết, cả xã Hiệp Phước nằm trong quy hoạch khu công nghiệp và đô thị cảng, những năm trước, con đường xuống cấp nghiêm trọng, ở đây giống như khu dân cư bị bỏ hoang, nên tâm trạng chung của nhiều nông dân là không dám đầu tư lâu dài vào sản xuất nông nghiệp mà chỉ chờ ổn định chỗ ở mới. Lúc đó, mỗi khi thu hoạch tôm, xe tải ra vào mua tôm rất khó khăn. Hơn 1 năm trở lại đây, con đường được xây mới và mở rộng cây cầu đã tạo điều kiện thuận lợi.
Nhờ có tuyến đường nội đồng này mà bà con mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản, nhất là con tôm nước lợ. Nằm kế bên đường Liên Ấp 2 là đường Thanh Niên Xung Phong, cũng được làm mới thành đường bê tông. Ngoài ra còn nhiều tuyến đường khác như đường Số 3 và Số 4 (xã Long Thới), đường Sâm Hiền (xã Phước Lộc)…
Theo ông Võ Thành Khả, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, tuy huyện đang phát triển khu công nghiệp và một số xã nằm sát với quận 7 ngày càng tăng dân số cơ học khiến đất nông nghiệp giảm dần, nhưng huyện vẫn không thể lơ là việc xây dựng NTM, tạo điều kiện để người nông dân vẫn có thể sống với nghề. NTM của Nhà Bè phải áp dụng các tiêu chí để phù hợp với thực tế. Đó là giao thông phải kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tập trung phát triển để những nơi vùng sâu vùng xa cũng có thể kết nối với trung tâm…
Phòng Kinh tế huyện Nhà Bè cho biết, trong khi chờ thực hiện quy hoạch thì các tuyến đường nội đồng sẽ giúp nông dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống; đồng thời kết nối với các tuyến đường lớn như Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Tạo…, tạo điều kiện cho việc vận chuyển sản phẩm nông nghiệp đến nơi tiêu thụ dễ dàng hơn. Điều này sẽ giúp việc phát triển kinh tế chung cho toàn huyện – một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập. Ngoài nguồn kinh phí cho NTM, huyện còn kết hợp với nhiều nguồn vốn khác để thực hiện các dự án kết nối giao thông, trong đó có nguồn vốn từ việc xã hội hóa, người dân nằm trong quy hoạch đóng góp thêm để làm đường; các dự án BT (xây dựng – chuyển giao) để xây dựng tuyến đường mới kết nối trục Đông – Tây như đường Kho Dầu B, C nối dài, đường Vĩnh Phước – Cây Khô…
Báo SGGP _ CÔNG PHIÊN – THANH HẢI, ngày 22/5/2017