ông Võ Quan Huy chăm chút lô chuối xuất khẩu sang Nhật Bản Ảnh: PHIÊU NHIÊN
Ông Võ Quan Huy cho biết thêm, mới đây, một tỉnh ở Đông Nam bộ ra thông báo không cho xây dựng, chuyển nhượng trong khu vực mà ông có hơn 80ha đất đang trồng nhiều loại cây công nghiệp và cây ăn trái. Điều này làm cho những người làm nông nghiệp lớn như ông cảm thấy bất an, bởi chỉ cần địa phương công bố quy hoạch khu vực nào đó, là biết bao tiền của và công sức đầu tư vào 80ha đất nhiều năm của ông xem như… mất. Ông Huy cũng cho biết, vừa qua, khi các nơi bàn chuyện giải cứu chuối thì trang trại chuối FOHLA của ông vẫn thu hoạch và xuất khẩu đều đặn sang Nhật Bản. Đó là vì ông đã ký hợp đồng dài hạn với đối tác, đầu tư lớn để có thể đáp ứng nhu cầu, các điều kiện của hợp đồng xuất khẩu, thay vì trồng theo kiểu tự phát, manh mún từng hộ không có sự liên kết. Thực tế cho thấy, sản xuất nông hộ nhỏ lẻ thời gian qua đã chạm trần, không thể có sản phẩm hàng hóa đồng đều và chất lượng như đòi hỏi của thị trường. Đến lúc cần có sự tham gia trực tiếp của doanh nghiệp vào nông nghiệp, cùng với nông hộ để tổ chức lại sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Thiệp, Bí thư huyện Cần Giuộc (Long An), cho rằng, vấn đề mở rộng hạn điền và tích tụ đất đai là xu hướng của sản xuất nông nghiệp lớn. Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới dẫn dắt nông dân và tạo ra hàng hóa chất lượng để xuất khẩu. Nếu nhỏ lẻ thì được mùa – mất giá và ngược lại. Rào cản hiện nay là luật pháp chưa cho phép doanh nghiệp chuyển nhượng đất lúa. Vậy làm sao tích tụ hay tập trung đất đai? Trường hợp của ông Võ Quan Huy là điển hình về việc lách luật để có cánh đồng lớn, dễ dàng cơ giới hóa và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng, nhưng rủi ro về pháp lý cũng hiển hiện.
Theo Tiến sĩ Võ Trí Hảo, Phó Trưởng khoa Luật Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cần bỏ quy định về hạn điền để việc tích tụ đất đai diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật thị trường. Các chủ thể (ở đây là chủ doanh nghiệp, người có vốn muốn đầu tư vào nông nghiệp) đàm phán với nông dân để có diện tích lớn, đây là quan hệ hợp đồng có pháp lý rõ ràng. Ai có nhu cầu mua bán đều được, không bị quy định về hộ khẩu. Điều quan trọng là tích tụ đất đai phải đảm bảo an toàn tài sản tối đa cho cả người dân và doanh nghiệp.
Không tập trung đất bằng công cụ hành chính
Ông Nguyễn Thế Trung, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, cho rằng, nếu tích tụ đất đai không chuyển động, nền nông nghiệp không thể cất cánh. Điều cần phải tránh là tích tụ bằng công cụ hành chính để thu hồi giao đất cho doanh nghiệp. Theo ông Trung, 2 trở ngại lớn của nền nông nghiệp là quá trình tích tụ đất đai và chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng chính sách về đất đai còn nhiều lúng túng nên phải sửa đổi nhiều lần. Có 4 hình thức đang diễn ra ở nông thôn: nông dân cho doanh nghiệp thuê đất; nông dân góp vốn từ đất cùng doanh nghiệp để sản xuất và chia lợi nhuận; Nhà nước thu hồi đất rồi cho doanh nghiệp thuê; nông dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp. Các hình thức này đều có mặt tích cực và không tích cực.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, tích tụ ruộng đất có lợi cho nền kinh tế nông nghiệp, song nhiều năm qua vẫn chưa thể làm được vì người làm chính sách còn e ngại khi nhìn thấy mặt trái của việc tích tụ. Đó là một bộ phận nông dân mất đất, tạo ra sự phân hóa ở nông thôn và tình trạng không ít doanh nghiệp lợi dụng chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp vì mục đích khác. Nhằm hạn chế mặt này, cần để quá trình tích tụ diễn ra một cách tự nhiên theo quy luật thị trường, không sử dụng biện pháp hành chính, dễ bị doanh nghiệp làm ăn không chân chính cấu kết với địa phương trục lợi từ đầu cơ đất đai. Nhà nước cần thừa nhận quyền giao dịch tài sản của nông dân và doanh nghiệp.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất 4 giải pháp: Một, chấp nhận bộ phận nông dân bị mất đất và bổ sung bộ phận đó vào thị trường lao động. Vấn đề là làm sao để bộ phận này rời đất một cách chủ động, không bị cưỡng ép. Thực tế lao động nông nghiệp hiện rất khan hiếm, một bộ phận thoát ly để trở thành người làm thuê là điều cần thiết. Hai, tất cả động thái tích tụ (doanh nghiệp chuyển nhượng đất nông dân) và tập trung (nông dân ký hợp đồng hay cho doanh nghiệp thuê, hoặc Nhà nước đứng ra thu hồi đất tập trung và giao doanh nghiệp thuê lại) nên bằng chính sách phù hợp. Nhà nước không nên gom đất về rồi phân phát. Ba, về chính sách, khuyến khích tập trung đất đai, việc tích tụ nên để diễn ra tự nhiên, tách biệt với tập trung. Tại các trang trại Bắc Âu, 70% diện tích là thuê của nông dân, doanh nghiệp chỉ sở hữu 30%. Nếu làm theo cách này người nông dân dễ chấp nhận làm thuê trên mảnh đất của mình vì có thu nhập, về già còn có tiền bảo hiểm và tiền thuê đất để trang trải cuộc sống. Bốn, vai trò của Nhà nước là làm sao tổ chức tốt khâu phân phối lưu thông hàng hóa nông sản.
Báo SGGP, ngày 5/6/2017