Trước đây, anh Đặng Anh Đức (ngụ tại số 62 tổ 10, đường 89, ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM) chủ yếu nuôi bò sữa HF để cải thiện cuộc sống gia đình, vì bò sữa là vật nuôi nằm trong chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp TP, có chính sách hỗ trợ về lãi suất vay vốn, thị trường thu mua sữa ổn định.
Gia đình anh Đức đã mạnh dạn đầu tư vốn nuôi 15 con bò sữa HF (trong đó có 7 bò cái vắt sữa), kết hợp trồng thâm canh 4.000m cỏ VA06 để chủ động nguồn thức ăn xanh quanh năm cho đàn bò. Tuy nhiên, qua nhiều năm khai thác sữa, đến nay đàn bò sữa cho năng suất rất thấp (dưới 10kg sữa/con/ngày), thu không đủ bù chi. Trạm Khuyến nông Củ Chi đã tạo điều kiện cho anh tham gia các lớp tập huấn nuôi bò thịt cao sản, tham quan tại các hộ nuôi bò thịt lai giống ngoại ở Long An, Bến Tre, Vĩnh Long…
Mô hình nuôi bò thịt lai giống ngoại tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi
Với bản tính ham học hỏi, dám nghĩ, mạnh dạn làm, anh đã quyết tâm chuyển hướng sang xây dựng mô hình khuyến nông “Chăn nuôi bò thịt lai giống ngoại”, chọn lọc những bò cái HF hiện hữu có khả năng sinh sản tốt làm bò cái nền để gieo tinh các dòng tinh bò thịt cao sản chuyên dụng như Red Angus và BBB (Blanc-Blue-Belgium). Tất cả bò cái được chọn lọc đều sinh sản bình thường, không có trường hợp đẻ khó. Đến nay, gia đình anh có 3 con bê lai BBB và Red Angus với ngoại hình đẹp, cơ bắp phát triển, hiền lành, dễ nuôi, đề kháng tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt, tăng trọng bình quân của bê khoảng 24 kg/con/tháng (bê lai Sind đạt 15kg – 20 kg/con/tháng). Trong đó, bê đực và bê cái lai BBB có trọng lượng sơ sinh lần lượt là 27kg và 28kg. Lúc 7 tháng tuổi, bê đực nặng 195kg, bê cái 183kg. Đối với bê cái lai Red Angus có trọng lượng sơ sinh 30kg/con, 4 tháng tuổi đạt 138kg/con. Để có được kết quả như hôm nay, anh Đức đã áp dụng đúng khẩu phần hướng dẫn của cơ quan khuyến nông theo từng giai đoạn phát triển của bê, hiện mỗi ngày chi phí thức ăn khoảng 12.000 đồng/con.
Hiện mô hình nuôi bò thịt lai giống ngoại của anh Đức được nhiều bà con nông dân đến tham quan, học tập kinh nghiệm. Theo anh Đức, để chăn nuôi bò thịt cao sản đạt hiệu quả kinh tế cao, bà con cần áp dụng đúng quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, tận dụng tối đa nguồn phụ phế phẩm công nông nghiệp sẵn có, thiết lập diện tích trồng cỏ thâm canh (tối thiểu khoảng 200m2 – 300m2/con) để đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu hàng ngày cho đàn bê sinh trưởng, phát triển. Như vậy, mô hình sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu thịt bò chất lượng cao cho thị trường, giải quyết vấn đề lao động và thu nhập ở nông thôn, tiến tới xây dựng một ngành nông nghiệp đô thị tiên tiến cho TPHCM.
Để nắm vững kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng cũng như thông tin chi tiết về việc tham gia mô hình này, mọi nông hộ chăn nuôi bò trên địa bàn TP có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông TPHCM (số 43 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1. Điện thoại 08.38221131); hoặc có nhu cầu được hỗ trợ dòng tinh bò thịt cao sản thì có thể liên hệ Trung tâm Quản lý và Kiểm định giống cây trồng – vật nuôi (số 4A181 Thanh Niên, ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Điện thoại 08.37685374).
Báo SGGP _ Thạc sĩ LIỄU KIỀU, ngày 19/4/2017