“Tay lái lụa” trồng lan Mokara

Ngoài công việc chính là giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Dạy nghề Bách Việt, anh Bùi Xung Phong (ở số 45 đường 689, ấp Bình Thượng 1, xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TPHCM) còn có niềm đam mê hoa lan.

Anh Bùi Xung Phong tại vườn lan của mình

Nên, sau khi tìm hiểu về kỹ thuật trồng và chăm sóc lan, anh Phong mạnh dạn đầu tư mô hình trồng lan Mokara để vừa thỏa chí đam mê vừa góp thêm thu nhập cho gia đình.

Tại buổi lượng giá mô hình trồng lan Mokara cắt cành, nghe cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Củ Chi giới thiệu anh Phong là một trong những hộ có mô hình trồng lan Mokara đạt hiệu quả, chúng tôi đã trò chuyện với anh để tìm hiểu về cách thức anh điều tiết thời gian cho công việc giảng dạy và trồng hoa.

Anh Phong kể, mỗi chiều sau khi đi làm về và phụ vợ lo việc nhà, thời gian còn lại được anh dành chăm chút cho vườn lan. Để có kiến thức về kỹ thuật trồng lan, anh tự tìm tòi nghiên cứu tài liệu từ internet, sách hướng dẫn và học hỏi kinh nghiệm từ những hộ trồng lan ở địa phương, đặc biệt luôn cố gắng tham gia các lớp tập huấn do cơ quan khuyến nông tổ chức. Từ những lần tham gia tập huấn và chịu khó học hỏi đó, năm 2014, anh Phong mạnh dạn đầu tư 3.000 cây lan Mokara cắt cành trên diện tích 2.000m2, với 5 màu chủ lực (full Moon – vàng chanh, Bangkunthien Gold – vàng nến, Jack kuan pink – hồng, Calypso – tím và vàng Kiti). Anh cho biết, với diện tích và số cây trong vườn lan của mình, một tuần anh xuất bán 2 lần, mỗi lần trung bình 500 cành với giá ổn định từ 5.000 – 7.000 đồng/cành, sau khi trừ chi phí anh Phong thu được gần 15 triệu đồng/tháng.

Anh Phong chia sẻ thêm: “Thời gian đến, tôi sẽ tận dụng khoảng đất trống xung quanh nhà để mở rộng vườn lan thêm khoảng 2.000 – 3.000 cây, vừa giúp tăng thu nhập, vừa được sống thỏa chí với “tình yêu” của mình”.

Chính sự hết mình cho niềm đam mê đã giúp anh Phong có được những thành công như hôm nay. Nên khi được hỏi về kinh nghiệm trồng lan Mokara cắt cành, anh không “giấu nghề” mà chia sẻ tận tình: “Làm gì cũng vậy, bất cứ là nghề gì luôn đòi hỏi phải có niềm đam mê và yêu nghề, bên cạnh đó cần phải có sự chăm chút, kỹ lưỡng. Việc trồng lan Mokara cắt cành cũng vậy. Vườn lan từ lối đi cho đến gốc cây không được có lá vàng, gốc gãy hay rác, bởi độ ẩm sẽ gây nấm và lây lan cho cây. Bên cạnh đó, cây lan Mokara chịu ẩm nhưng không chịu nước. Vì vậy, khi lập luống trồng hoa phải để ý việc thoát nước tốt, trời mưa cũng không để nước đọng lại vì dễ gây nấm. Kỹ thuật bón phân cũng phải thích hợp. Giai đoạn đầu, phân có tỷ lệ đạm cao hơn lân và kali, để kích thích rễ phát triển; nhưng giai đoạn sau thì ngược lại. Lan Mokara cũng chỉ ưng phân sinh học, thuốc diệt nấm sinh học, không thích ứng với phân, thuốc hóa học”.

Báo SGGP _ HIẾU MINH, ngày 25/8/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *