CẦN GIỜ ĐỔI THAY NHỜ NÔNG THÔN MỚI

VOH – Nhờ chương trình nông thôn mới mà khu vực ngoại thành TPHCM đang từng bước đổi thay tích cực. Theo đó, huyện Cần Giờ đã chú trọng phát triển dân sinh, kinh tế xã hội nhằm nâng cao đời sống người dân và tạo ra bộ mặt khang trang hơn cho địa phương. Chủ trương này thời gian qua đã đem đến hiệu quả tích cực.

Trong phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, huyện đã thí điểm nuôi các vật nuôi mới như: cua lột, cá mú, cá đối. Một số mô hình được nghiên cứu và phát triển trong nhân dân như: Mô hình nuôi tôm kết hợp cá rô phi, nuôi tôm qua nhiều giai đoạn, nuôi tôm hữu cơ, nuôi tôm mật độ cao trong nhà kính đạt hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý, mô hình nuôi tôm qua 2, 3 giai đoạn đã mang lại năng suất bình quân đạt 10 tấn/ha.

Về hỗ trợ vốn cho nông dân, trong năm 2016, huyện đã phê duyệt cho gần 1.600 lượt hộ vay vốn sản xuất với tổng vốn vay hơn 430 tỷ đồng; tập trung hỗ trợ phát triển 84 cơ sở, tổ hợp sản xuất ngành nghề nông thôn. Riêng Trong quý 1/2017, huyện đã phê duyệt phương án hỗ trợ lãi vay cho 392 hộ dân vay vốn để đầu tư nuôi thủy sản với quy mô 451 ha, vốn vay hỗ trợ lãi suất gần 180 tỷ đồng, các tổ chức tín dụng đã giải ngân cho 175 hộ vay vốn với số tiền 97 tỷ đồng.:

“Trước thì gia đình khó khăn thì bây giờ đã nhận bảo vệ rừng. Tôi thấy gia đình ổn định cuộc sống, con cháu học hành đến nơi đến chốn. Và bây giờ thì Nhà nước cũng quan tâm lo nhà, điện nước đầy đủ”, bà Đinh Thị Hồng –  một hộ đi theo mô hình giữ rừng chia sẻ.

Nhờ kết quả bước đầu của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch sinh thái và phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất nên trong năm 2016, khách du lịch đến huyện Cần Giờ tăng đột biến và lần đầu tiên, huyện đã đón trên 1 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, tăng hơn 53% so với năm 2015.

Về định hướng phát triển du lịch sinh thái, huyện Cần Giờ đã phối hợp với Sở Du lịch TPHCM tổ chức khảo sát tuyến du lịch đường sông xã Long Hòa, Thạnh An gắn với các hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản, nhà vườn, du lịch nghỉ tại nhà dân tại xã đảo Thạnh An. Đến nay, việc kết nối với các đơn vị du lịch lữ hành đã bắt đầu được triển khai. Ngoài ra, huyện cũng tiếp xúc các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn để bàn các giải pháp phục vụ, giữ chân du khách đến với Cần Giờ.

Trong quý 1/2017, huyện đã hỗ trợ cho gần 1.300 lượt hộ nghèo được vay vốn từ các nguồn; hỗ trợ tiền ăn trưa cho trên 580 trẻ học mầm non thuộc diện nghèo với số tiền 350 triệu đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho hơn 34.000 đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn cận nghèo và hộ dân xã Thạnh An; ngân sách cho hỗ trợ tiền điện gần 1,7 tỷ đồng cho khoảng 1.300 hộ nghèo. Kết quả đến nay, đã có gần 1.900 hộ thoát nghèo theo chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo giảm từ gần 40% xuống còn 29% tổng số hộ dân trong huyện.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế gắn với chính sách an sinh xã hội nên trong năm qua, nhiều hộ nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh có nguồn thu nhập ổn định. Huyện Cần Giờ cũng đề xuất UBND TP cho phép huyện sử dụng địa danh Cần Giờ để xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm yến, xoài cát và khô cá dứa.

“Chương trình xây dựng nông thôn mới thời gian qua được Thành phố quan tâm. Đây là một trong những chương trình trọng điểm của huyện. Chúng tôi luôn gắn chương trình này với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của huyện. Do vậy rất nhiều  những công trình đầu tư xây dựng nông thôn mới đã đi vào sử dụng. Những công trình về giao thông, thủy lợi, chương trình đào tạo nghề đã thay đổi bộ mặt nông thôn Cần Giờ”, ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ nhấn mạnh.

Huyện đã và đang triển khai thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của năm 2017, và giai đoạn 2017 – 2020. Huyện cũng đã ký kết hợp tác với các quận huyện khác cùng 5 tổng công ty trên địa bàn TP nhằm phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; cấp học bổng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn./.

VOH_Minh Phước, ngày 15/8/2017

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *